Theo TASS, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 2/5 tuyên bố tổ chức này đã cấm Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang 5 nước châu Âu từ ngày 2/5-5/6, trong khi đó vẫn cho phép Ukraine trung chuyển và xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khác.
Tuyên bố của EC có đoạn: “Ngày hôm nay, EC đã thông qua các biện pháp phòng ngừa đặc biệt và tạm thời đối với việc nhập khẩu một số lượng hạn chế các sản phẩm từ Ukraine. Các biện pháp này chỉ liên quan đến 4 nông sản là lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương, có nguồn gốc tại Ukraine."
Cũng theo EC, những biện pháp nói trên nhằm giảm tắc nghẽn về hậu cần liên quan đến những nông sản này tại Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia, có hiệu lực kể từ ngày 2/5 và kéo dài đến ngày 5/6/2023.
Trước đó, hồi tháng 4, Bộ trưởng Nông nghiệp của 5 nước thành viên EU là Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania và Bulgaria đã gửi một bức thư chung tới Ủy ban châu Âu, trong đó yêu cầu mở rộng danh sách các sản phẩm của Ukraine bị cấm nhập khẩu vào các nước này.
Các Bộ trưởng ra thông báo: “Chúng tôi, Bộ trưởng Nông nghiệp của Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia, một lần nữa muốn lưu ý việc nhập khẩu nông sản ngày càng tăng từ Ukraine. Điều này đang gây ra sự gián đoạn thị trường nghiêm trọng và thiệt hại cho các nhà sản xuất nông nghiệp của EU, đặc biệt là ở các quốc gia thành viên giáp Ukraine hoặc nằm gần nước này."
[Ba Lan đề xuất EU nên cấm nhập khẩu một số nông sản Ukraine]
Theo các Bộ trưởng, vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Họ nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận tình huống trong đó toàn bộ gánh nặng nhập khẩu gia tăng chỉ đổ lên vai một số quốc gia thành viên EU.
Các Bộ trưởng lưu ý đề xuất cấm nhập khẩu lúa mỳ, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương từ Ukraine của Ủy ban châu Âu là chưa đủ, đồng thời đề nghị bổ sung dầu hướng dương, mật ong, đường, trái cây mềm, trứng, thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa của Ukraine vào danh sách này.
Từ tháng 5/2022, EU cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa do chiến tranh với Nga, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Các quốc gia thành viên EU đồng ý nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không hạn chế về số lượng, không làm thủ tục hải quan và kiểm tra chính thức.
Hungary cáo buộc tỷ lệ lớn hàng nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá.
Trước đó, ngày 17/4, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy cho biết nước này sẽ sử dụng "mọi biện pháp có thể" để bảo vệ nông dân của mình khỏi sự gián đoạn thị trường do hoạt động nhập khẩu ngũ cốc khối lượng lớn từ Ukraine, đồng thời nói rằng việc Liên minh châu Âu (EU) có hành động phản ứng chung là "không thể tránh khỏi."
Phần lớn ngũ cốc sản xuất tại Ukraine vốn có giá rẻ hơn các sản phẩm tương tự ở EU đang tồn tại các nước Trung Âu do không thể xuất đi khu vực khác vì tắc nghẽn hậu cần, ảnh hưởng đến giá bán và lưu thông sản phẩm của nông dân các nước này./.
(Vietnam+