EU siết chặt quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối 

Nhóm đối tượng được phép nhập cảnh là những người đến từ các quốc gia ghi nhận tỷ lệ không quá 25 ca mắc COVID-19 trên 100.000 người trong 14 ngày - tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn tất cả các nước EU.
EU siết chặt quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối

Ngày 1/2, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định siết chặt các quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối do lo ngại dịch bệnh.

Theo đó, chỉ những người đến từ các quốc gia có rất ít ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và gần như không có ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới nhập cảnh vào các nước EU mà không phải tuân thủ những quy định phòng dịch nghiêm ngặt.

Trao đổi với Reuters, một nhà ngoại giao EU cho biết tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ), các đại sứ của các nước thuộc liên minh này đã nhất trí triển khai biện pháp siết chặt mới đối với du khách nhập cảnh từ các nước ngoài EU, trong đó có Anh.

Nhóm đối tượng được phép nhập cảnh là những người đến từ các quốc gia ghi nhận tỷ lệ không quá 25 ca mắc COVID-19 trên 100.000 người trong 14 ngày - tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn tất cả các nước EU. Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại cần được nhanh chóng tái áp đặt đối với những nước có tỷ lệ mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao. 

Sự nhất trí về hoạt động đi lại không thiết yếu được xem là "kim chỉ nam" để các nước thành viên EU có thể đưa ra những chính sách về kiểm soát biên giới. Một số nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, ví dụ như Bỉ đã cấm việc đi lại không thiết yếu đến và rời khỏi đất nước này cho tới tháng 3.

[Các hãng dược phẩm cam kết cung cấp thêm vắcxin ngừa COVID-19 cho EU]

Trong khi đó, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 1/2 đã triển khai công cụ theo dõi tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19, nhằm đánh giá nỗ lực của các nước châu Âu trong chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai.

Bộ dữ liệu đầu tiên đã được công bố trên trang web của ECDC, bao quát 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng với Iceland, Liechtenstein và Na Uy. Hiện bộ dữ liệu đang được cập nhật, trong đó nhiều nước dự kiến sẽ công bố số liệu mỗi tuần 2 lần.

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất ngày 31/1, các nước thành viên EU đã tiêm chủng tổng cộng 8,23 triệu liều vắcxin. Con số thực tế cao hơn do nhiều nước chưa cập nhật thông tin mới.  Trong khi đó, hãng tin AFP tổng hợp số liệu từ nhiều nguồn chính thức cho biết ít nhất 12,6 triệu mũi vắcxin đã được tiêm chủng cho 10,5 triệu người tại EU, tương ứng 2,3% dân số châu lục này.

Theo ECDC, trong giai đoạn đầu triển khai chương trình tiêm chủng, việc theo dõi số liệu vắcxin phân phối cho các nước và người được tiếp cận vắcxin sẽ cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến tiến bộ của công tác tiêm chủng và mở rộng chiến dịch tiêm chủng. Công cụ này cũng sẽ cung cấp thông tin ước tính ban đầu về việc phân bổ số lượng mũi vắcxin đầu tiên và mũi thứ hai cho từng người tiêm chủng theo khuyến cáo của giới chức y tế.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo cơ quan này sẽ điều chỉnh chiến lược tiêm chủng, ban đầu được lên kế hoạch triển khai đại trà trong quý I/2021 với vắcxin của AstraZeneca. Kế hoạch này được đưa ra sau khi hãng dược phẩm này cắt giảm số lượng vắcxin phân phối cho châu Âu.

Người đứng đầu cơ quan quản lý y tế của EC, bà Sandra Gallina cho biết AstraZeneca chỉ có thể đảm bảo 25% trong tổng số 100 triều liều vắcxin theo đơn đặt hàng trong quý 1/2021 giữa hai bên. Do đó, EC hiện đang xem xét các sản phẩm của Pfizer/BioNTech và Moderna để bù đắp số lượng vắcxin bị thiếu hụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

337 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1126
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1126
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87095376