EU siết chặt quản lý các nền tảng công nghệ bằng công cụ pháp lý mới 

EC sẽ công bố dự thảo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số và Đạo luật thị trường kỹ thuật số, đặt ra những điều kiện ngặt nghèo mà các hãng công nghệ phải tuân thủ khi kinh doanh tại 27 quốc gia thành viên.
EU siết chặt quản lý các nền tảng công nghệ bằng công cụ pháp lý mới

Ngày 15/12, Liên minh châu Âu (EU) công bố dự thảo luật kỹ thuật số mới, trong đó có điều khoản áp mức phạt tối đa 10% doanh thu với những công ty công nghệ, như Facebook, Twitter và TikTok... nếu không gỡ bỏ hoặc hạn chế những nội dung phạm luật.

Phóng viên TTXVN tại Brussel dẫn một nguồn thạo tin cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố dự thảo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số cùng với Đạo luật thị trường kỹ thuật số, đặt ra những điều kiện ngặt nghèo mà các hãng công nghệ phải tuân thủ khi kinh doanh tại 27 quốc gia thành viên EU.

Dự thảo luật cũng có điều khoản cấm một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới hoạt động tại thị trường EU nếu vi phạm luật một cách nghiêm trọng và tái diễn vi phạm gây nguy hiểm cho an ninh của công dân châu Âu.

Ngoài ra, theo dự thảo luật, các công ty công nghệ lớn sẽ được đưa vào danh sách "người gác cổng" Internet, theo đó phải tuân theo các quy định cụ thể để hạn chế nguy cơ thao túng thị trường.

[Facebook, Twitter và TikTok đứng trước nguy cơ đối mặt án phạt ở Anh]

Cụ thể, Ủy viên châu Âu phụ trách mảng kỹ thuật số Thierry Breton cho biết các nền tảng công nghệ lớn sẽ phải gửi thông báo tới EC trước khi thực hiện kế hoạch sáp nhập trong bối cảnh các nhà quản lý châu Âu và Mỹ đều lo ngại các thỏa thuận sáp nhập thực chất là cách để các hãng công nghệ lớn "nuốt chửng" những đối thủ mới hình thành.

Các hãng công nghệ như Google, Facebook, Apple, Amazon và có thể còn những công ty khác, gần như chắc chắn sẽ thuộc diện chịu ảnh hưởng của những quy định đặc biệt này.

Dự luật này sẽ phải trải qua một quy trình phê chuẩn kéo dài và phức tạp, trong khi các quốc gia thành viên của EU, Nghị viện châu Âu, các tổ chức vận động hành lang cùng các hiệp hội thương mại đều có thể tác động đến văn bản luật cuối cùng.

Trước đó, Pháp và Hà Lan đã bày tỏ ủng hộ châu Âu có tất cả các công cụ cần thiết để kiểm soát nhóm "người gác cổng," thậm chí cả quyền hạn để chia nhỏ những công ty này.

Hiện, các chính phủ trên thế giới đang siết chặt công tác quản lý các nội dung đăng tải trên mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung gây nguy hiểm hoặc phạm pháp./.

 

Kim Chung-Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

 

264 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 297
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 297
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88610455