Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố EU sẽ phải thảo luận với lực lượng Taliban ở Afghanistan "càng sớm càng tốt," nhưng không có nghĩa là EU chính thức công nhận chế độ mới ở nước này.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng các nước EU về tình hình Afghanistan trong bối cảnh một số quốc gia thành viên EU đang nỗ lực đẩy nhanh việc sơ tán công dân khỏi nước này, ông Borrell nêu rõ Taliban đã giành quyền kiểm soát Afghanistan, vì vậy EU sẽ phải liên lạc với lực lượng này để tham gia vào một cuộc đối thoại càng sớm càng tốt nhằm tránh xảy ra một thảm họa nhân đạo và di cư.
Ông Borrell nhấn mạnh “cuộc đối thoại này sẽ phải tập trung vào các biện pháp ngăn chặn sự quay trở lại của khủng bố nước ngoài ở Afghanistan."
Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ các cuộc thảo luận như vậy không ngụ ý Brussels chính thức công nhận chế độ Taliban. Ông Borrell khẳng định Brussels vẫn "cảnh giác" về việc tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế của lực lượng này.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng EU về tình hình hiện nay ở Afghanistan. ông Borrell nhấn mạnh "cần phải nhận ra những sai lầm mà chúng ta đã mắc phải, đặc biệt là trong việc đánh giá khả năng quân sự tại chỗ, khi đổ vào nguồn lực chưa từng có nhưng kết quả thu được không như mong đợi."
Tuy nhiên, ông Borrell cho rằng hành động can thiệp quân sự của Mỹ và các đồng minh vào Afghanistan sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã đạt được mục tiêu là “tiêu diệt al-Qaeda."
[NATO đình chỉ mọi sự hỗ trợ dành cho chính phủ Afghanistan]
Đồng quan điểm với EU, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 17/8 tuyên bố Canada chưa có kế hoạch công nhận Taliban là chính phủ tại Afghanistan sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
Cùng ngày 17/8, Phần Lan tuyên bố sẽ dừng viện trợ phát triển cho đối tác hợp tác phát triển lớn nhất là Afghanistan sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát nước này. Phần Lan sẽ cân nhắc lại quyết định này sau khi tình hình ở Afghanistan trở nên rõ ràng hơn. Phần Lan cho biết hỗ trợ cho viện trợ nhân đạo, hoạt động của các tổ chức quốc tế và rà phá bom mìn tại Afghanistan lên tới khoảng 30 triệu euro/năm.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng ngày thông báo vẫn đang chuyển viện trợ tới phần lớn các khu vực của Afghanistan, đồng thời tổ chức các cuộc họp ban đầu với các đại diện mới của Taliban tại những thành phố mà lực lượng này vừa giành quyền kiểm soát.
Binh sỹ Mỹ gác tại sân bay Kabul, Afghanistan, khi hoạt động sơ tán được tiến hành tại đây. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Liên quan tình hình tại Afghanistan, công tố viên Karim Khan của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tôn trọng luật nhân đạo.
Ông Karim Khan nhấn mạnh ICC có thể thực hiện quyền tài phán đối với bất kỳ tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người hoặc tội ác chiến tranh nào xảy ra tại Afghanistan kể từ khi quốc gia Nam Á này trở thành thành viên ICC năm 2003.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 17/8 cho biết nước này có thể duy trì sự hiện diện ngoại giao tại sân bay Kabul sau hạn chót rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan vào cuối tháng này, nếu điều kiện cho phép.
Phát biểu với báo giới, ông Ned Price nhấn mạnh Mỹ đang cân nhắc về việc duy trì sự hiện diện ngoại giao sau ngày 31/8. Nếu an toàn và điều kiện thích hợp để Mỹ có thể ở lại lâu hơn thì Washington có thể xem xét vấn đề này./.
Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)