EU quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ nối lại thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải 

(ĐCSVN) – Ngày 9/8, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã bày tỏ quan ngại trước việc Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về ý định nối lại các hoạt động thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
EU quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ nối lại thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải

Tuyên bố cùng ngày của ông Borrell nêu rõ: “Những hành động huy động lực lượng Hải quân mới nhất tại phía Đông Địa Trung Hải là điều vô cùng quan ngại. Diễn biến này sẽ không đóng góp cho việc đưa ra bất kỳ giải pháp nào, mà trái lại, sẽ dẫn tới sự đối kháng và mất lòng tin ở mức độ nghiêm trọng hơn”.

Quan chức cấp cao của EU kêu gọi các bên thiết lập đường biên giới trên biển thông qua đối thoại và đàm phán, không bằng các hành động đơn phương hay việc huy động các lực lượng Hải quân. Ông Borrell cam kết sẽ nỗ lực tái thiết lập đối thoại và tạo điều kiện thúc đẩy gắn kết giữa các bên. “Hành động hiện tại sẽ không phục vụ lợi ích cho EU và cả Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta phải hành động cùng nhau vì an ninh ở khu vực Địa Trung Hải” – ông Borrell nói.

Thông điệp trên được quan chức cấp cao của châu Âu đưa ra ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/8 thông báo nối lại các hoạt động thăm dò tại phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời xác nhận việc nước này đã triển khai tàu thăm dò và nghiên cứu địa chấn Barbaros Hayreddin Pasa tới khu vực. 

Hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi một hòn đảo của Hy Lạp, vốn khiến quan hệ giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thêm căng thẳng. Động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một bước đi nhằm đáp trả việc Hy Lạp và Ai Cập ký thỏa thuận phân định hàng hải.

Trước đó, trong một sự kiện diễn ra tại thủ đô Cairo (Ai Cập), ngày 6/8, các Ngoại trưởng Hy Lạp và Ai Cập đã ký kết một thỏa thuận về phân định biên giới trên biển và thiết lập vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước nhằm tối đa hóa lợi ích từ việc khai thác trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm năng tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Thỏa thuận cho phép hai bên sử dụng tối đa các tài nguyên có tại khu vực cũng như khai thác dầu khí tại đó. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định, tất cả các điều khoản trong bản thỏa thuận đều tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lại tuyên bố thỏa thuận “vô hiệu”. Thậm chí trong thời gian trở lại đây, Tổng thống Erdogan vẫn đổ lỗi cho Hy Lạp không thực hiện cam kết về thăm dò năng lượng, cho rằng thỏa thuận với Athens "không có giá trị"./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
193 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1115
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1115
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87126090