EU phạt các ngân hàng lớn vì hành vi thao túng thị trường trái phiếu 

(ĐCSVN) - Ngày 20/5, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã phạt 7 ngân hàng lớn trên thế giới với tổng số tiền 371 triệu euro (452 triệu USD) do liên quan đến một liên minh giao dịch trái phiếu trong những năm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
EU phạt các ngân hàng lớn vì hành vi thao túng thị trường trái phiếu

Quyết định trên do Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager công bố và nêu rõ các nhà giao dịch của 7 ngân hàng đầu tư đã cấu kết thông qua các phòng thảo luận trực tuyến để thao túng giá và chia sẻ những thông tin nhạy cảm về trái phiếu.

“Điều này là không thể chấp nhận được giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và khi nhiều tổ chức tài chính nhận được sự cứu trợ của chính phủ, các ngân hàng đầu tư này lại thông đồng với nhau và gây phương hại cho các nước thành viên EU”, bà Margrethe Vestager nhấn mạnh.

Theo đó, Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) bị phạt 129,5 triệu euro, ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) bị phạt 172,4 triệu euro và UniCredit (Italy) nhận án phạt 69,4 triệu euro. Bank of America (Mỹ) và Natixis (Pháp) thoát án phạt do thời hạn hiệu lực, trong khi Portigon (trước đây là WestLB) không có doanh thu trong tài khóa vừa qua và không thể nộp phạt. 

Tháng 4 vừa qua, EU cũng ra thông báo phạt các ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), Credit Agricole (Pháp) và Bank of America Merrill Lynch (Mỹ) tổng cộng 28 triệu euro vì đã thao túng giá trên thị trường trái phiếu bằng đồng USD. Ngân hàng Deutsche Bank đã thoát án phạt nhờ việc tiết lộ thông tin. Trong đó, Bank of America Merrill Lynch nhận án phạt nặng nhất với hơn 12 triệu euro, tiếp đó là Credit Suisse bị phạt hơn 11,8 triệu euro và Credit Agricole bị phạt gần 4 triệu euro.

Vào tháng 5/2019, 5 ngân hàng, bao gồm Barclays, RBS, Citigroup, JP Morgan và MUFG đã bị phạt 1,07 tỷ euro (1,2 tỷ USD) vì đã thiết lập 2 thỏa thuận liên quan đến các hoạt động thao túng thị trường ngoại hối đối với 11 loại tiền tệ, bao gồm đồng USD, euro và Bảng Anh trong cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2007 - 2013. 

Thỏa thuận thứ nhất liên quan đến 2 ngân hàng của Anh gồm Barclays và RBS, cùng với 2 ngân hàng của Mỹ là Citigroup và JPMorgan. Thỏa thuận thứ hai liên quan đến các vi phạm trong giai đoạn từ tháng 12/2009 đến tháng 7/2012, một lần nữa dính líu đến Barclays, RBS và cả ngân hàng MUFG của Nhật Bản (trước đây là Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi).

Theo quyết định xử phạt, Citygroup bị phạt nặng nhất với  311 triệu euro. Ngân hàng UBS không bị phạt vì đã thông báo về các hoạt động thao túng thị trường này cho Ủy ban châu Âu.

“Các quyết định xử phạt gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Ủy ban châu Âu sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi thông đồng nào trong bất kỳ lĩnh vực nào của thị trường tài chính”, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager tuyên bố./.

 
Hoài Hà (Theo Reuters, Xinhua)
113 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 766
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 767
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86336372