Ngày 13/1, Liên minh châu Âu (EU) đã ngăn chặn việc sáp nhập giữa hai tập đoàn đóng tàu của Hàn Quốc vì lo ngại thỏa thuận này sẽ hạn chế nguồn cung cấp các tàu chở khí đốt hóa lỏng lớn - LNG, gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của châu Âu.
Hai công ty dự định sáp nhập là Công ty đóng tàu và kỹ thuật hải dương Hàn Quốc (KSOE) thuộc Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai và Công ty Đóng tàu và Kỹ thuật hàng hải Daewoo (DSME).
Tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết việc Hyundai tiếp quản DSME sẽ cho công ty mới sau sáp nhập một vị thế thống trị và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đối với các hãng vận tải LNG.
[Hàn Quốc đóng tàu ngầm lớp 3.000 tấn thứ 5 bằng công nghệ trong nước]
Cũng theo tuyên bố trên, EU đã yêu cầu phía công ty Hàn Quốc nêu các biện pháp khắc phục vấn đề mà EC quan ngại rằng thị trường tàu chở khí LNG có thể bị độc quyền nếu hai công ty trên của Hàn Quốc sáp nhập, nhưng HHIH đã không đưa ra được các đề xuất thỏa đáng.
EC ước tính việc 2 công ty sáp nhập sẽ tạo ra một siêu tập đoàn mới chiếm tới 60% thị phần tàu chở khí LNG toàn thế giới.
Về phần mình, phía Hyundai cho rằng kết luận từ phía EC là vô lý và đáng thất vọng.
Việc EC lấy thị phần làm tiêu chí đánh giá là không phù hợp vì thị phần không phải là chỉ số thích hợp để đánh giá sức mạnh thị trường trong ngành công nghiệp đóng tàu.
HHIH cho biết chỉ duy nhất lĩnh vực tàu chở LNG bị EU đặt ra vấn đề về vị trí thống trị.
EU từ chối phê duyệt thương vụ này bởi lo ngại việc sáp nhập sẽ hạn chế nguồn cung về tàu chở hàng, tác động tiêu cực đến việc đóng tàu chở LNG trong bối cảnh giá nhiên liệu tại châu Âu đang liên tục leo thang.
Tháng 12/2019, EC đã bắt đầu thẩm định thương vụ sáp nhập giữa KSOE thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai và DSME.
Sau đó, EC đã 3 lần hoãn thẩm định do dịch COVID-19 và mới cho nối lại thời gian gần đây. Thời hạn thẩm định là đến ngày 20/1./.
Tất Đạt (TTXVN/Vietnam+)