Theo ông Barnier, trong giai đoạn chuyển tiếp này, Anh vẫn là một phần trong thị trường chung của liên minh, phải tuân thủ mọi quy định của EU, bao gồm quyền tự do nhập cư của công dân EU. Anh cũng phải chấp hành quy định của Tòa Công lý châu Âu (ECJ), trong khi không được tham gia việc ra quyết định của EU.
Theo ông Barnier, giai đoạn chuyển tiếp sẽ hữu ích và tạo điều kiện cho Anh có thời gian chuẩn bị đối phó với những vấn đề có thể gọi là thách thức mà Anh sẽ phải đối mặt và tháo gỡ những khó khăn trong việc tạo các mối quan hệ mới.
Trước đó, Anh thể hiện mong muốn thời gian chuyển tiếp Brexit kéo dài thêm 3 tháng so với thời gian mà EU đưa ra, tức 2 năm kể từ ngày Anh rời khỏi mái nhà chung EU (từ tháng 3/2019-3/2021).
Hôm 7/12 vừa qua, Anh và EU đã đạt được tiến bộ đầy đủ về các điều khoản "ly hôn" bao gồm vấn đề thanh toán tài chính, biên giới Ireland và quyền công dân sau Brexit, mở ra giai đoạn đàm phán mới. Dự kiến, các cuộc đàm phán về giai đoạn chuyển tiếp sẽ được khởi động vào tháng 1/2018, trong đó thảo luận về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tuyên bố Tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế Anh có thể cải thiện nếu nước này đạt được một thỏa thuận thương mại tích cực với EU về việc rời khỏi mái nhà chung châu Âu (Brexit).
Bà Lagarde đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo tại London sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay và duy trì dự báo trong năm 2018.
Theo bà Lagarde, tăng trưởng kinh tế Anh đang chậm lại do hậu quả của quyết định rời khỏi EU. Trong khi đó, những diễn biến trong tiến trình đàm phán Brexit bộc lộ tình trạng không chắc chắn. Tuy nhiên, IMF cho rằng nếu Anh và EU đạt được một thỏa thuận giảm đến mức tối thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan, bảo đảm các doanh nghiệp có thể tiếp cận được lao động mà họ cần thì điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Một thỏa thuận sớm về giai đoạn chuyển tiếp cũng sẽ giúp tránh được kịch bản Brexit "cứng" vào tháng 3/2019 và giúp các doanh nghiệp và các hộ gia đình tránh phải đối mặt với tình trạng không rõ ràng.
Theo báo cáo mới nhất, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay xuống 1,6% từ mức 1,7% trong dự báo đưa ra hồi tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, IMF vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong năm 2018./.