Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến, trong đó chủ đề phản ứng của toàn cầu đối với sự tàn phá chưa từng có gây ra bởi đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự.
Tài liệu được chuẩn bị cho phái đoàn các nước EU tham dự Hội nghị này khuyến nghị: “Các chính sách tài khóa hỗ trợ cần phải được duy trì ở chừng mực cần thiết và không nên rút sớm”.
“Các biện pháp ứng phó trong tương lai cần tiếp tục được điều chỉnh một cách thận trọng và thường xuyên được rà soát, trong bối cảnh còn tồn tại bất ổn liên quan đến đại dịch…”, tài liệu cho hay.
Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế thế giới kể từ tháng 2/2020 và đẩy các quốc gia nghèo chìm trong các khoản nợ lớn hơn các nước khác bởi các quốc gia này không có khả năng kích thích sự phục hồi thông qua các khoản nợ mới.
Theo đó, EU cho biết sẽ ủng hộ việc gia hạn sáng kiến G20 từ năm ngoái về việc giãn nợ cho các nước nghèo thêm 6 tháng nữa. “EU sẵn sàng thảo luận về các lựa chọn để giảm áp lực tài chính đối với các nước thu nhập thấp nếu các nước này phải đối mặt với áp lực tài chính”.
EU cũng sẽ căn cứ theo phân tích và đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) về nhu cầu tài trợ từ bên ngoài ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong những năm tới.
Trước đó, tại Hội nghị G20 dưới sự chủ trì của Saudi Arabia theo hình thức trực tuyến diễn ra hồi tháng 11/2020, các nhà lãnh đạo G20 cam kết hợp tác và hỗ trợ các nước nghèo hơn chống chọi dịch bệnh, phục hồi trong giai đoạn hậu COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia cho rằng, đại dịch COVID-19 là cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới chỉ trong thời gian ngắn, khiến cho nền kinh tế và xã hội toàn cầu bị thiệt hại nặng nề. “Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình vượt qua cuộc khủng hoảng này thông qua hợp tác quốc tế”.
Tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng kêu gọi các nền kinh tế lớn hợp tác để khôi phục thương mại, bảo đảm đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Trong đó, sự hợp tác giữa G20 với các tổ chức tài chính quốc tế đóng vai trò quan trọng./.
Hoài Hà (Theo Reuters, Financial Post)