Tại Geneva, ông Dombrovskis đã gặp Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. Phó Chủ tịch EC khẳng định sẵn sàng xem xét những cải cách lớn đối với hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại. Ông Dombrovskis đã trình bày các ưu tiên của Liên minh châu Âu (EU) đối với tương lai của WTO, 2 tháng trước thềm Hội nghị cấp Bộ trưởng của tổ chức này, diễn ra từ ngày 30/11-3/12 tại Geneva.
"Bộ mặt thương mại đã thay đổi đáng kể, kể từ khi thành lập WTO" vào năm 1995, ông Dombrovskis nói. "Trong khi đó, các quy tắc quản lý tổ chức thì không thay đổi”, Phó Chủ tịch EC nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch EC Dombrovskis cho biết, hệ thống giải quyết tranh trấp của WTO hiện đang bị “đóng băng” và chức năng đàm phán hiện đang bị “tê liệt”. Ông cho rằng 164 thành viên của WTO đã không có tiếng nói chung, nhấn mạnh “WTO cần phải cải tổ khẩn cấp”.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia đều cho rằng, WTO trong nhiều năm đã bất lực trong việc khởi động lại các cuộc đàm phán quy mô lớn. Ông Dombrovskis kêu gọi cần phải cải cách các quy tắc trợ cấp và tạo các điều kiện thuận lợi đầu tư của WTO, bao gồm trợ cấp công nghiệp và nông nghiệp.
Cựu thủ tướng Latvia cho rằng, WTO nên đóng một vai trò lớn hơn trong "các vấn đề lớn của thời đại, cho dù đó là các vấn đề sức khỏe, biến đổi khí hậu hay kỹ thuật số". Ông cũng cho biết EU đã sẵn sàng xem xét “các cải cách lớn" đối với tòa phúc thẩm của WTO, với điều kiện họ phải làm cho hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả và hợp pháp hơn.
Ông Dombrovskis cho biết, Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC-12) sắp diễn ra tới đây phải bắt đầu một quá trình đàm phán nghiêm túc về việc cải tổ tòa phúc thẩm và việc này sẽ phải hoàn thành trước Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13. Theo Phó Chủ tịch EC, khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của bà Okonjo-Iweala.
Với vai trò là nước Chủ tịch G7 năm 2021, Anh cho biết sẽ thúc đẩy các nước đồng minh nhằm đạt được sự đồng thuận trong hiện đại hóa các quy tắc của WTO.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 5 vừa qua, Anh cho biết sẽ thúc giục nhóm các nước G7 hỗ trợ Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, người hiện đang nỗ lực nhằm đạt được các tiến bộ trong cải cách cũng như tạo ra một khuôn khổ hành động mới trước Hội nghị MC-12 diễn ra vào tháng 11 tới.
Trong tuyên bố được đưa ra sau Hội nghị G7, các Bộ trưởng nhấn mạnh cam kết sẽ hỗ trợ công tác cải cách WTO. Ngoại trưởng Anh Liz Truss khi đó là Bộ trưởng Thương mại Quốc tế nước này nhận định WTO đang mắc kẹt với các điều khoản lỗi thời có từ thập niên 1990s, kêu gọi và thúc giục sửa đổi các nguyên tắc đã lỗi thời và không còn hiệu quả.
Bà cho biết, nếu không đạt được tiến bộ thực sự trong việc cải cách WTO cho phù hợp với thế kỷ 21 thì hệ thống thương mại toàn cầu sẽ có nguy cơ bị tan rã.
Hiện các nước G7 khác, trong đó có Mỹ đều nhất trí rằng cần cải cách WTO cũng như đổi mới các quy định về thương mại toàn cầu./.
H.Hà (Theo Reuters, Europa.eu)