Liên minh châu Âu (EU) xem việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là trọng tâm của chiến lược thương mại trong thập kỷ tới, cho rằng các quy tắc thương mại toàn cầu phải đảm bảo thân thiện với môi trường hơn.
Trong thông báo đưa ra ngày 18/2, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ ưu tiên việc chống biến đổi khí hậu là một phần trọng tâm trong chiến lược "cởi mở, bền vững và quyết đoán" của khối. Ủy ban châu Âu muốn đính kèm "hành động xanh" với các thỏa thuận thương mại, cũng như mong muốn xây dựng một Tổ chức Thương mại Thế giới có nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề môi trường.
Điều này có thể bao gồm tự do hóa thương mại đối với các hàng hóa và dịch vụ "xanh," hoặc các thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
[Số đơn xin tị nạn tại EU giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm]
Ủy ban châu Âu cũng cho biết sẽ đề xuất một loạt cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới tập trung vào phát triển bền vững, bao gồm các quyền về giới và lao động, đồng thời khởi động các cuộc đàm phán về các quy tắc mới. cũng sẽ tìm cách khôi phục Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới, được xem là trọng tài cuối cùng về các tranh chấp thương mại toàn cầu.
Ủy ban châu Âu hy vọng Mỹ sẽ tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai một cách thiện chí bởi điều này có thể giúp khôi phục niềm tin và dẫn tới việc đạt được một thỏa thuận. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng sẽ nỗ lực hợp tác với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tại đối với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tác động tới các nguyên tắc của chủ nghĩa toàn cầu khi mỗi quốc gia dường như quan tâm trước hết đến lợi ích của riêng mình. Trong bối cảnh đó, nhu cầu cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới được nhận định ngày càng trở nên cấp thiết để tổ chức này giữ vững vai trò dẫn dắt hệ thống thương mại toàn cầu./.
Hà Thị Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)