Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết tại Tokyo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ."
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng với việc ký thỏa thuận này, EU và Nhật Bản đang phát đi thông điệp về thương mại tự do và công bằng, và các bên trở nên mạnh và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác.
Thỏa thuận FTA được ký trong bối cảnh cả EU và Nhật Bản, những đồng minh lâu đời của Mỹ, đều nằm trong danh sách các nước và khu vực bị Washington áp thuế mới.
Theo ông Juncker, thỏa thuận này cho thấy thương mại không chỉ là thuế quan và rào cản, mà nó là giá trị. Ông khẳng định "không có sự bảo hộ trong chủ nghĩa bảo hộ."
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mô tả thỏa thuận mới được ký cho thấy những ưu điểm của thương mại tự do vượt trội chủ nghĩa bảo hộ.
Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận tự do thương mại từ năm 2013. Hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-EU tháng 7/2017 và nhất trí được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12/2017.
Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% tất cả hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp.
Điều này sẽ giúp phomát, rượu vang và thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật Bản.
Về phần mình, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như đối với ôtô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực.
Sau khi ký kết, Nhật Bản và EU sẽ thuyết phục để cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn với mục tiêu thỏa thuận này có hiệu lực vào cuối tháng 3/2019 - thời điểm dự kiến Anh sẽ chính thức rời EU.
Thỏa thuận tự do thương mại Nhật Bản-EU sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân./.