Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua một loạt quy tắc mới về phòng chống rửa tiền (AML) nhằm bảo vệ công dân EU và hệ thống tài chính của khối này chống lại hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Thương mại và Tài chính EU ngày 30/5 tại Brussels, Bộ trưởng Tài chính Bỉ, Vincent Van Peteghem nhấn mạnh các quy tắc mới, nghiêm ngặt hơn sẽ củng cố hệ thống phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của EU.
Một cơ quan mới có trụ sở tại Frankfurt sẽ giám sát hoạt động của các bên liên quan. Điều này sẽ đảm bảo rằng những kẻ lừa đảo, tội phạm có tổ chức và khủng bố không còn chỗ để hợp thức hóa lợi nhuận bất chính thông qua hệ thống tài chính.
Quy định mới này sẽ hài hòa các quy tắc chống rửa tiền trên toàn EU, đóng lại các lỗ hổng, đồng thời mở rộng quy định chống rửa tiền áp dụng với các thực thể mới như hầu hết các lĩnh vực tiền điện tử, nhà giao dịch hàng hóa xa xỉ, câu lạc bộ và đại lý bóng đá.
Ngoài ra, quy định này còn đưa ra các yêu cầu thẩm định chặt chẽ hơn, quy định quyền sở hữu lợi ích và giới hạn thanh toán bằng tiền mặt ở mức 10.000 euro.
Quyết định mới sẽ củng cố tổ chức các hệ thống chống rửa tiền quốc gia, đặt ra các quy tắc rõ ràng về cách các đơn vị tình báo tài chính (FIU) và các cơ quan giám sát phối hợp với nhau.
Cơ quan chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AMLA) mới của châu Âu sẽ được thành lập. Cơ quan này sẽ có quyền giám sát trực tiếp và gián tiếp đối với các thực thể có rủi ro cao trong lĩnh vực tài chính.
AMLA sẽ nâng cao hiệu quả của khuôn khổ AML/CFT bằng cách phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát quốc gia.
Cơ quan này sẽ hỗ trợ cả khu vực phi tài chính và điều phối hoạt động của các FIU. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, AMLA sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các thực thể vi phạm.
Chỉ thị chống rửa tiền mới yêu cầu các quốc gia thành viên EU phải cung cấp thông tin từ sổ đăng ký tài khoản ngân hàng tập trung thông qua một điểm truy cập duy nhất.
Hội đồng cũng thông qua một chỉ thị riêng đảm bảo các cơ quan thực thi pháp luật quốc gia có quyền truy cập vào các sổ đăng ký này, hỗ trợ trong việc chống tội phạm và truy tìm tiền thu được từ tội phạm.
Sau khi thông qua, các văn bản sẽ được công bố trên Tạp chí Chính thức của EU và có hiệu lực. Quy định AML sẽ được áp dụng ba năm sau khi có hiệu lực.
Các quốc gia thành viên sẽ có hai năm để chuyển đổi một số phần của chỉ thị AML và ba năm đối với những phần khác.
AMLA sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2025 với trụ sở tại Frankfurt.Gói quy định mới này là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, mang lại an ninh và minh bạch hơn cho hệ thống tài chính EU./.
Bộ trưởng Tài chính Đức cho rằng AMLA “sẽ đưa cuộc chiến chống rửa tiền lên một tầm cao mới,” trong khi Thủ tướng Đức nhận định Frankfurt sẽ được củng cố hơn nữa như một trung tâm tài chính ở châu Âu.