Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Slovenia ngày 6/10, Liên minh châu Âu (EU) nhắc lại cam kết về việc kết nạp sáu nước và vùng lãnh thổ ở Balkan, điều đã được đưa ra từ 18 năm trước.
Tuy nhiên, EU chưa thể nhất trí với mục tiêu hoàn tất việc kết nạp vào năm 2030.
Sau nhiều tuần thảo luận, các lãnh đạo EU nhất trí rằng Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, vùng lãnh thổ Kosovo và Albania có thể gia nhập EU nếu đáp ứng các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực từ cải cách tư pháp đến kinh tế.
Tuy nhiên, thời hạn chót cho việc kết nạp là năm 2030 do nước Chủ tịch luân phiên của EU Slovenia đưa ra đã bị các thành viên khác bác bỏ tại hội nghị.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận vẫn còn bất đồng giữa các nước thành viên EU, do đó vấn đề này cần được thảo luận thêm.
Phát biểu ngày 6/10 sau khi dự hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ những lời kêu gọi đưa ra hạn cụ thể để kết nạp các thành viên mới vùng Tây Balkan.
Theo bà Merkel, không cần đặt ra một lịch cụ thể, thay vào đó cần tập trung vào những cam kết rằng một khi các ứng viên Balkan đáp ứng các điều kiện thì việc kết nạp sẽ được tiến hành. Trong khi đó, việc đề ra hạn chót sẽ khiến EU gặp áp lực mà không quan tâm liệu các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan đã đáp ứng đủ điều kiện hay chưa.
[Gruzia, Moldova và Ukraine cùng thúc đẩy nỗ lực gia nhập EU]
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nước và vùng lãnh thổ Balkan đang trong lộ trình tiến tới gia nhập EU và phải được biết rằng họ nằm ở vị trí trung tâm của châu Âu, xứng đáng được đầu tư, trao đổi thương mại và cuối cùng sẽ là thành viên của EU. Ông Macron cũng lưu ý rằng việc tiếp nhận thêm sáu thành viên mới sẽ đòi hỏi EU phải cải cách quy trình ra quyết định vốn đang chậm chạp.
Tổng thống Pháp đánh giá các lãnh đạo EU đã có một cuộc thảo luận tốt về vấn đề này, với mong muốn đưa các nước Balkan gia nhập khối trong ngắn hạn. Ông Macron cho rằng EU cần phải có hành động vì sự ổn định của khối bởi đây là các nước nằm ở trung tâm của châu Âu.
Đến nay, EU là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của sáu nước và vùng lãnh thổ Balkan nói trên. Việc mở rộng quy mô khối lên 33 thành viên được cho là sẽ buộc EU phải thay đổi quy trình ra quyết định vốn đang gây căng thẳng và tiến hành cải cách nội khối mà không phải thành viên nào cũng sẵn sàng tham gia./.
Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)