Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị thượng đỉnh 2 ngày khai mạc hôm 23/3 tại Brussels, Bỉ bị chia rẽ về vấn đề động cơ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Hồi đầu tháng này, Đức đã phản đối một văn bản kế hoạch khí hậu quan trọng của EU nhằm chấm dứt việc bán các loại ôtô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng Cộng hòa Séc và Slovakia, hai quốc gia đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng của ngành ôtô, đã bày tỏ quan ngại của mình.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng việc liên kết với các công nghệ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc dẫn đầu, không thúc đẩy khả năng cạnh tranh của khối.
Một số nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất ô tô cần có sự chắc chắn để triển khai các khoản đầu tư lớn cần thiết để chuyển đổi ngành công nghiệp của họ. Đức cuối cùng có thể ký văn bản về động cơ nhiệt nếu Ủy ban châu Âu (EC) miễn trừ cho các phương tiện chạy bằng nhiên liệu tổng hợp.
[Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu: Tìm đáp án cho câu hỏi cũ]
Những bất đồng khác bao trùm Hội nghị thượng đỉnh này là vai trò của năng lượng hạt nhân trong quá trình khử carbon của nền kinh tế. Pháp muốn phát triển năng lượng nguyên tử để góp phần hướng tới một nền kinh tế phi carbon.
Các quốc gia như Đan Mạch, Đức và Tây Ban Nha phản đối cho rằng việc đưa năng lượng hạt nhân vào luật sẽ làm suy yếu các nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng gió và Mặt Trời.
Theo chương trình nghị sự, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ EU hôm 24/3 sẽ thảo luận về cải cách thị trường điện châu Âu.
EC đã đề xuất những cải cách này vào tuần trước để tránh tăng giá nghiêm trọng, chẳng hạn như những cải cách diễn ra vào năm ngoái khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo có thể quyết định đẩy nhanh cải cách thị trường điện để đạt được thỏa thuận với Nghị viện châu Âu vào cuối năm nay. Các công ty có thể sẽ được mời tham gia dự án mua khí đốt chung của châu Âu, trong bối cảnh vào mùa Đông tới, khi nguồn cung của Nga sẽ khan hiếm.
Hy Lạp cũng sẽ trình bày ý tưởng về một quỹ châu Âu để tăng cường đầu tư vào lưới điện, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và đảm bảo an ninh năng lượng./.
Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)