EU bắt đầu thảo luận về ngân sách hậu Brexit 

(Chinhphu.vn) - Ủy ban châu Âu đã khởi động các cuộc thảo luận gai góc về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) 27 nước sau khi Anh rời Liên minh, gọi là Brexit. Dự kiến tài chính cho một vài lĩnh vực sẽ bị cắt giảm không thương tiếc để dồn nguồn lực cho một số chương trình chung.
EU bắt đầu thảo luận về ngân sách hậu Brexit
Tại hội nghị được tổ chức tại Brussels, đánh dấu sự kiện bắt đầu thảo luận về khuôn khổ tài chính nhiều năm sắp tới của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đánh giá EU đang đạt đến giới hạn trong các khả năng của mình. Khuôn khổ tài chính hiện tại là dành cho giai đoạn 2014-2020, với trần chi tiêu cố định vào khoảng 963 tỉ euro cho thời gian 7 năm. 

Dù dự kiến ra đi vào năm 2019, nước Anh vẫn cam kết đóng góp đến hết năm 2020 cho ngân sách châu Âu. Sau mốc thời gian trên, EU sẽ phải chuẩn bị cho một khuôn khổ tài chính mới mà không còn phần đóng góp của nước Anh. Sự kiện người Anh chính thức rời EU, theo lịch là vào tháng 3/2019, sẽ để lại một lỗ hổng tài chính đáng kể trong lúc EU đang phải nỗ lực tìm kiếm tài trợ cho các chính sách mới về quốc phòng hay giải quyết vấn đề người di cư.

Về phần mình, Ủy viên châu Âu phụ trách ngân sách Günther Oettinger nhận định việc một nước đóng góp ròng cho ngân sách như Anh rời khỏi EU sẽ làm ngân sách của khối mất đi từ 12-13 tỉ euro mỗi năm. Ông Günther Oettinger đề xuất thực hiện tiết kiệm từ các khoản mục chi tiêu hiện tại để bù khoảng 50% số thiếu hụt, phần còn lại sẽ phải tìm kiếm những nguồn tài trợ mới. 

Đối với các nội dung mới mà EU đang phải tìm ra nguồn tài trợ như bảo đảm nền quốc phòng thực sự của châu Âu hay yêu cầu về bảo đảm an ninh biên giới, Ủy viên phụ trách ngân sách đánh giá phải tìm kiếm đến 80% từ những nguồn mới. EC sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể hơn vào tháng 5 và mong muốn đạt được một thỏa thuận vào năm 2019, trước khi EU có dàn lãnh đạo mới.

Tình hình hiện tại đang tạo nên sự chia rẽ giữa những nước đóng góp lớn như Đức, vốn không mặn mà với việc phải mở thêm hầu bao trong khi các nước đang hưởng ròng từ quỹ châu Âu tỏ ra lo lắng vì sẽ nhận được ít hơn. Ông Juncker thừa nhận sẽ có một cuộc thảo luận căng thẳng về chính sách nông nghiệp chung (PAC) và về quỹ gắn kết châu Âu dành cho các vùng nghèo hơn của EU, đồng thời cho biết đây là 2 lĩnh vực chủ yếu chiếm tới hơn 2/3 ngân sách châu Âu. 

Ủy viên Günther Oettinger cho rằng tình thế bắt buộc phải thực hiện việc cắt giảm tài chính đối với một vài chương trình lớn, thậm chí là giảm rất nhiều. Theo ông, chỉ một số chương trình như "Erasmus+" dành cho sinh viên hoặc "Chân trời 2020" cho hoạt động nghiên cứu là có thể tránh được tình trạng này. 

Cả 2 ông Juncker và Oettinger đều bày tỏ quan điểm ủng hộ tăng mức đóng góp của các nước cho ngân sách EU, hiện đang ở mức trần là 1% GDP. Chủ tịch Juncker và Ủy viên Oettinger nhất trí rằng EU có thể không cần tới 2% GDP của các thành viên nhưng chắc chắn mức đóng góp sẽ phải là trên 1%.

Cuộc thảo luận quan trọng về ngân sách được xem là rất khó khăn và có nguy cơ nảy sinh những tranh cãi chính trị giữa Đông và Tây trong nội bộ EU. Một nhóm nước được Đức dẫn đầu gợi ý điều kiện trong tương lai để tiếp cận các quỹ châu Âu là phải tôn trọng các giá trị và điều kiện của EU. Điều kiện này được cho là chủ ý nhằm vào Hungary và Ba Lan. Hai quốc gia trên đã từ chối áp dụng quy chế hạn ngạch tiếp nhận người di cư bắt buộc trong 2 năm. Ba Lan đã công khai thách thức Brussels với việc thực hiện các cải cách tư pháp mà EC cho rằng đe dọa Nhà nước pháp quyền.

Sau cuộc thảo luận này, lãnh đạo các nước EU cũng sẽ có dịp trao đổi về các khuôn khổ ngân sách của EU hậu Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU dự kiến diễn ra vào ngày 23/2 tại Brussels./.

Huyền Anh
616 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 804
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 804
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87188149