EP từ chối xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư EU-Trung Quốc 

EP yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi nghị viện châu Âu có thể xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư giữa EU-Trung Quốc.
EP từ chối xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư EU-Trung Quốc

Ngày 20/5, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu từ chối việc xem xét thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc nếu Bắc Kinh không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại các nghị sỹ EP và các học giả.

Nghị quyết từ chối xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU-Trung Quốc được EP thông qua với 599 phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Theo nghị quyết, EP yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi nghị viện có thể xem xét CAI giữa EU-Trung Quốc.

[Trắc trở Hiệp định toàn diện về đầu tư Liên minh châu Âu-Trung Quốc]

Các nghị sỹ EP cũng cảnh báo bản thân việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ không đảm bảo việc thỏa thuận trên được phê chuẩn.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận rằng những nỗ lực để phê chuẩn hiệp định CAI với Trung Quốc buộc phải dừng lại sau một loạt biện pháp "ăn miếng trả miếng" giữa Trung Quốc và EU trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nói: "Rõ ràng là trong tình hình hiện nay với lệnh cấm vận của EU với Trung Quốc và lệnh cấm vận đáp trả của Trung Quốc lên các thành viên EP đang được thi hành, môi trường này không có lợi cho việc phê chuẩn hiệp định."

Trong cuộc trao đổi ngày 6/5 với nhóm các chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương tại thủ đô Washington (Mỹ), Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cũng cho biết hiệp định này thực tế mới chỉ là "ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận" và có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực.

EU và Trung Quốc đã hoàn tất Hiệp định toàn diện về đầu tư vào tháng 12/2020 sau 7 năm đàm phán khó khăn.

Tuy nhiên, hiệp định này vẫn chưa được 27 quốc gia thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Hiệp định CAI được kỳ vọng sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.

Thỏa thuận này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho các các doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc.

Văn kiện này cũng sẽ giúp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, trong đó bao gồm cả những cam kết về chống biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Trung Quốc đã đạt hơn 140 tỷ euro trong 20 năm qua, trong khi đầu tư từ Trung Quốc vào khối này đạt gần 120 tỷ euro.

Các lĩnh vực chính mà các công ty EU đầu tư vào Trung Quốc là ôtô, vật liệu cơ bản (bao gồm hóa chất), dịch vụ tài chính, nông nghiệp thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

 

322 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 928
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 928
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191439