Để có cái nhìn cụ thể về tác động của kịch bản bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các nước, các chuyên gia ECB đã đưa ra một số giả định kinh tế. Theo đó, các chuyên gia nêu giả thiết Mỹ áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu và các đối tác thương mại của Washington có động thái đáp trả tương tự.
Trong kịch bản này, các nhà kinh tế cho rằng hoạt động thương mại của Mỹ sẽ sụt giảm mạnh, trong khi người tiêu dùng phải chịu những thiệt hại và suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm đầu tiên có thể giảm 2%. Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế số một thế giới tăng trưởng 2,9% trong năm nay và 2,7% trong năm tới.
Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế của một quốc gia vốn có chính sách thuế chống lại nước khác và phải hứng chịu các biện pháp trả đũa của những nước này rõ ràng sẽ yếu kém. Thực tế này dự báo chất lượng sống của người dân sẽ giảm sút trong khi việc làm sẽ trở nên khan hiếm.
Trong trường hợp này, người dân và công ty Mỹ dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm trong nước do hàng nhập khẩu quá đắt. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cũng sụt giảm do các đối tác thương mại "tránh xa" Mỹ. Các doanh nghiệp nước này được cho là sẽ giảm đầu tư, cắt giảm lực lượng lao động, gây tác động trên diện rộng đến nền kinh tế Mỹ.
[Căng thẳng thương mại có thể làm chậm tiến trình nâng lãi suất của Fed]
Các chính sách thuế của Mỹ sẽ có tác động "gây ông đập lưng ông." Theo ECB, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi trong vấn đề này khi các nước khác có thể chuyển sang mua hàng hóa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thay vì mua hàng Mỹ.
Các chuyên gia châu Âu lưu ý niềm tin bị ảnh hưởng vì một cuộc chiến thương mại tổng thể sẽ gây tác động trên diện rộng lớn hơn, đe dọa sản lượng của các nước. Tổng sản phẩm quốc nội của thế giới có thể sẽ giảm 0,75% trong năm đầu tiên và kim ngạch thương mại toàn cầu giảm tới 3%.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo, kịch bản cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ có tác động sâu sắc. Với chính sách bảo hộ thương mại, Mỹ đang thách thức các nguyên tắc cơ bản của hệ thống giao thương quốc tế.
Quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ với các nước đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, gây áp lực không nhỏ đối với hệ thống thương mại đa phương. Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến kim ngạch thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%./.