Ngày 28/1, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đánh giá cho đến nay, các ngân hàng lớn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã ứng phó tốt với cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn hiện nay là các khoản nợ xấu có thể gây nhiều thiệt hại.
Theo ECB, so với giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009, các ngân hàng Eurozone bước vào năm 2020 với mức vốn cao hơn và khả năng chống chịu tốt hơn với tình trạng kinh tế yếu kém. Các biện pháp chưa từng có của chính phủ đã giúp bảo vệ các công ty, người lao động, cũng như lĩnh vực ngân hàng trước cú sốc đại dịch.
Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương châu Âu cảnh báo hiện vẫn còn rủi ro lớn trong ngắn và trung hạn. Ngân hàng trung ương châu Âu nhận định điều kiện kinh tế xấu đi do dịch COVID-19 đã làm chậm lại tốc độ suy giảm của nợ xấu.
Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần thận trọng, tăng cường giám sát một số lĩnh vực quan trọng, có nguy cơ chứng kiến nợ xấu tăng bất ngờ.
Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn gây ra "những rủi ro nghiêm trọng" cho hệ thống y tế công cũng như nền kinh tế Eurozone và toàn cầu. Theo bà, những rủi ro xung quanh triển vọng tăng trưởng của Eurozone "vẫn nghiêng về hướng suy giảm nhưng ít rõ rệt hơn."
Bà viện dẫn những tín hiệu đáng khích lệ bao gồm thông tin về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, thỏa thuận về mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh trong tương lai và sự khởi động các chiến dịch tiêm chủng.
Tuy nhiên, đại dịch vẫn đang diễn ra và những tác động của nó đối với các điều kiện kinh tế và tài chính sẽ là nguồn gốc của những nguy cơ gây suy giảm kinh tế.
[WHO: Vẫn còn quá sớm để nới lỏng các lệnh phong tỏa ở châu Âu]
Cùng ngày, theo số liệu do Viện Thống kê quốc gia (INE) công bố, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha đã bất ngờ giảm trong quý IV/2020, giúp tăng thêm lòng tin về dự báo của chính phủ rằng nền kinh tế nước này đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, INE cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong quý IV/2020 là 16,13%, thấp hơn so với mức 16,26% trong quý III, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 13,78% của cùng kỳ năm ngoái, do hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế.
INE nêu rõ tỷ lệ lao động trong quý IV/2020 đã tăng lên trong mọi lĩnh vực, trong đó đi dầu là ngành dịch vụ. Số người mất việc đã giảm 3.100 người xuống khoảng 3,72 triệu người, trong khi số người có việc làm tăng 0,87% lên 19,34 triệu người. Tuy nhiên, tính trong cả năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng lên 15,53% s với mức 14,1% trong năm 2019.
Tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài đã tác động tiêu cực đến kinh tế Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ. Tây Ban Nha hiện là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong EU, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý IV/2020 đã tăng từ mức 30,5% trong năm 2019 lên 40,15%, mặc dù vẫn thấp hơn mức 40,45% trong quý III/2020.
Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Madrid, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvino cho biết số lượng việc làm tăng lên trong nửa sau của năm 2020 đã cho phép nước này bù đắp phần lớn thiệt hại trong nửa đầu năm.
Trong khi Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho rằng tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2020 sẽ giảm nhẹ, thì Bộ trưởng Calvino lạc quan hơn khi tin rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhiều khả năng sẽ tăng bất chấp các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19.
Chính phủ Tây Ban Nha dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm 11,2% trong năm 2020 và phục hồi ít nhất là lên mức 7,2% trong năm 2021. Dự kiến INE sẽ công bố số liệu quý IV/2020 vào ngày 29/1./.
Đặng Thị Nguyệt Ánh (TTXVN/Vietnam+)