Ngày 28/3, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành và cũng là cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) - yêu cầu Rome thu hồi khoản cho vay 400 triệu euro (hơn 432 triệu USD) năm 2019 hỗ trợ hãng hàng không Alitalia gặp khó khăn thời điểm đó. EC cho rằng khoản cho vay này "bất hợp pháp."
Hãng Alitalia đã tuyên bố phá sản và ngừng hoạt động năm 2021 sau khi lỗ chồng chất tới 11 tỷ euro trong 2 thập kỷ. Sau đó, Chính phủ Italy đã thành lập hãng hàng không quốc gia mới mang tên ITA Airways từ “đống tro tàn” của Alitalia.
EC cho rằng nhà nước Italy không thể hoạt động như một công ty tư nhân và đã không xét tới khả năng khoản vay này phải được hoàn trả.
Theo EC, ở thời điểm đó, một nhà đầu tư tư nhân sẽ không cho Atlitalia vay tiền và khoản cho vay của Rome đã tạo ra một lợi thế kinh tế không công bằng cho công ty này so với các đối thủ cạnh tranh khác tại Italy cũng như trong EU và trên thế giới. EC yêu cầu Italy thu hồi số tiền cho vay và tiền lãi.
[Italy, EU đạt thỏa thuận lập hãng hàng không mới thay thế Alitalia]
Trước đó, hồi tháng 9/2021, EU đã kết luận các khoản cho vay 900 triệu euro của Italy dành cho Alitalia năm 2017 là bất hợp pháp xét theo quy tắc viện trợ nhà nước của khối. EU đã cho phép hãng hàng không mới là ITA Airways nhận vốn nhà nước mà không phải trả khoản vay này.
Tháng 7/2021, EU và Italy đã đạt được thỏa thuận thành lập ITA Airways, hoạt động dưới hình thức công ty không nợ và tiếp quản một số tài sản của hãng Alitalia.
Tuy nhiên, trước đó EC cho rằng ITA Airways không phải là thực thể thừa kế kinh tế của Alitalia và không phải chịu trách nhiệm hoàn trả khoản vay 400 triệu euro.
Hiện chưa rõ số tiền sẽ được hoàn trả như thế nào, nhưng theo phát ngôn viên của EC, bà Arianna Podesta, việc hoàn trả sẽ được thực hiện trong phạm vi thu nhập có được từ việc bán tài sản của Alitalia, cùng với giá trị của bất cứ tài sản còn lại nào chưa được bán.
Năm 2017, khi đang trên bờ vực phá sản, Alitalia đã được nhà nước Italy tiếp quản sau khi không tìm được người mua.
Đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát năm 2020 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, sau khi các chuyến bay bị đình trệ trên toàn thế giới./.
Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)