Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Kinh tế Italy Giovanni Tria, EC cho biết Rome đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2019, điều này có nghĩa là mức thâm hụt ngân sách cơ cấu (không tính đến các hoạt động kinh tế mang tính một lần và ảnh hưởng từ chu kỳ) sẽ tăng 0,8% GDP.
Tuy nhiên, hội đồng các bộ trưởng EU đã yêu cầu Italy điều chỉnh mức thâm hụt cơ cấu này giảm 0,6% GDP trong năm tới, điều này có nghĩa là thâm hụt ngân sách cần giảm 1,4 điểm phần trăm.
[Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất thay đổi ngân sách Italy nếu cần thiết]
Theo bức thư của EC, Italy có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách xuống 2,1% GDP vào năm 2020 và 1,8% GDP vào năm 2021, nhưng điều đó là không đủ, vì điều đó có nghĩa là thâm hụt cơ cấu của Italy sẽ không thay đổi trong giai đoạn 2020-2021.
Quy định của Liên minh châu Âu (EU) cho phép Italy, hiện đang có nợ công ở mức tương đương 133% GDP, giảm thâm hụt ngân sách cơ cấu hàng năm cho đến khi trở về trạng thái cân bằng. Do đó, EC kêu gọi giới chức Italy đảm bảo rằng dự thảo kế hoạch ngân sách của nước này tuân thủ các quy tắc tài chính chung. Hạn chót để Italy đệ trình dự thảo ngân sách lên EC là ngày 15/10 tới.
Phát biểu trước giới truyền thông, Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio khẳng định nước này sẽ “không lùi bước” và không có kế hoạch B. Trước đó, Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini cũng tuyên bố nếu EU bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy thì nước này sẽ vẫn cứ xúc tiến kế hoạch của mình.
Đứng trước những áp lực từ EC và các chính phủ thuộc khu vực đồng euro khác, dường như Rome chú ý nhiều hơn đến phản ứng của cách thị trường tài chính. Lợi suất trái phiếu của Italy đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm rưỡi qua vào tuần trước.
Mặc dù chỉ tiêu thâm hụt ngân sách của Italy hiện nay vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trần 3% GDP của EU. Tuy nhiên, nước này lại có mức nợ công cao thứ 2 trong EU, sau Hy Lạp, và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất chậm chạp. EU cũng như các nhà đầu tư lo ngại rằng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này có thể làm khoản nợ công của Italy vốn đã ở mức "khổng lồ" ngày một phình to hơn./.