Bà Nguyễn Thị Khuyên ở thôn Kim Long, xã Hải Quế (huyện Hải Lăng) cho biết, vụ đông xuân 2016 - 2017 gia đình bà gieo cấy trên diện tích 7 sào. Vụ lúa này bước đầu gặp nhiều khó khăn do sâu bệnh và rét kéo dài nhưng với kinh nghiệm của mình, bà đã thực hiện kịp thời các giải pháp khắc phục nên lúa phát triển rất tốt. “Tôi gặt trà lúa đầu tiên vào ngày 29/4, đến hôm nay là diện tích cuối cùng. Vụ này người dân ở đây ai cũng phấn khởi vì công sức bỏ ra nhiều nhưng được đền đáp xứng đáng với năng suất đạt tới 63 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Lúa chúng tôi gặt buổi sáng phơi đến cuối buổi chiều là có người đến thu mua ngay với giá cả phù hợp”, bà Khuyên nói.
Cùng niềm vui này, ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Trung Đơn, xã Hải Thành, Hải Lăng chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu thu hoạch từ hai ngày nay. Đáng mừng là lúa chất lượng cao năm nay sản lượng đạt cao mà giá cả cũng hơn so với mọi năm. Hiện chúng tôi tranh thủ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để bắt tay làm đất, chuẩn bị cho sản xuất vụ hè thu”. Vụ đông xuân 2016 - 2017, huyện Hải Lăng gieo cấy 6.858,5 ha lúa, vượt kế hoạch đề ra, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 4.382 ha. Điểm mới vụ này ở Hải Lăng là tổ chức sản xuất trên nhiều cánh đồng lớn có tổng diện tích trên 574 ha, trong đó cánh đồng lớn nhỏ nhất có diện tích 20 ha với sự tham gia của 19 hợp tác xã, đơn vị với các loại giống lúa chất lượng cao. Do ảnh hưởng mưa rét đầu vụ nên huyện có trên 103 ha phải gieo cấy lại, vào cuối vụ các loại rầy phát sinh gây hại trên diện rộng nhưng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền, các hợp tác xã nông nghiệp và nỗ lực của nông dân, diện tích lúa trong toàn huyện phát triển rất tốt.
“Đến thời điểm này, nông dân địa phương đã thu hoạch được khoảng 15% diện tích vụ đông xuân và thống kê bước đầu cho thấy năng suất bình quân đạt 62,5 tạ/ha, tiếp tục được mùa toàn diện. Để đảm bảo đúng lịch thời vụ, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân khẩn trương thu hoạch lúa. Với tiến độ này, dự kiến đến ngày 15/5, địa phương cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ đông xuân”, ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết. Với 4.600 ha lúa, vụ đông xuân này huyện Gio Linh tiếp tục được mùa toàn diện. Ông Nguyễn Đăng Quyền ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang cho hay, với 9 sào lúa giống Khang Dân, vụ này gia đình ông dự kiến thu được gần 6 tấn lúa và với giá cả như hiện nay thì có lãi cao hơn mọi năm. Không chỉ ông mà nhiều nông dân khác trên địa bàn cũng rất phấn khởi khi vụ đông xuân được mùa toàn diện.
Theo ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh, hiện nay nông dân địa phương đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích và dự kiến đến giữa tháng 5 sẽ hoàn thành. Những ngày này, nông dân huyện Triệu Phong đang tất bật xuống đồng thu hoạch lúa với niềm vui được mùa. Ông Nguyễn Minh Sỹ ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn tính toán: “Để có hiệu quả kinh tế cao hơn, trên cánh đồng Hạ Mua có diện tích 3ha này, tôi và mấy hộ khác quyết định canh tác lúa theo phương pháp tự nhiên. Sản lượng tuy không cao bằng các loại lúa khác, chỉ khoảng 40 tạ/ha nhưng bù lại giá lúa được các đầu mối thu mua tới 14.000đ/kg, gấp đôi so với lúa chất lượng cao canh tác thông thường thì chúng tôi vẫn có mức lợi nhuận tốt hơn rất nhiều.
Nông dân bây giờ rất hào hứng trồng lúa theo phương pháp tự nhiên bởi không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, không đủ cung ứng cho thị trường mà còn bảo vệ sức khỏe của chính mình và môi trường sinh thái”. Vụ đông xuân 2016 - 2017, huyện Triệu Phong gieo cấy 5.905,5 ha lúa. Dù sản lượng lúa bình quân ước đạt 56 tạ/ha, có thấp hơn so với huyện Hải Lăng do vào cuối vụ thời tiết diễn biến thất thường làm phát sinh bệnh bạc lá vi khuẩn, đạo ôn và rầy nâu gây hại trên diện rộng nhưng bù lại nông dân Triệu Phong phấn khởi vì lúa chất lượng cao được giá bởi có đến 81% diện tích, tương đương 4.772,3 ha lúa đông xuân của huyện là lúa chất lượng cao.
Theo ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, để mở ra hướng phát triển mới và nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, bên cạnh lúa chất lượng cao, địa phương đã và đang chú trọng phát triển lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên, đồng thời sớm triển khai xây dựng thương hiệu gạo sạch Triệu Phong bởi có được thương hiệu thì sản phẩm của nông dân sẽ “đi” xa hơn và có giá trị cao, dễ tiêu thụ hơn nhờ được nhiều người biết đến. Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thúc đẩy sản lượng, chất lượng lúa vụ đông xuân 2016 - 2017, ngành nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó chú trọng bố trí lịch gieo cấy, hướng dẫn các địa phương quy hoạch vùng gắn với chuyển đổi giống lúa chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong gieo trồng và chăm sóc; liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Hiền khẳng định: “Vụ đông xuân được mùa toàn diện, vai trò quyết định thuộc về người nông dân bởi họ là những người luôn nỗ lực, sáng tạo trong khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất”.
Huy Nam