Thực tế đó đang xảy ra ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Định, Phú Yên. Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt được nhiều hải sản, nâng cao chất lượng cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 với nhiều ưu đãi trong việc cho vay đóng mới tàu thuyền, đặc biệt là các loại tàu vỏ thép có công suất lớn. Không ít ngư dân kỳ vọng đây là cơ hội để đổi đời, nhưng cuộc sống chưa thay đổi thì họ đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tàu đóng mới xong, giá trị hàng chục tỉ đồng lại không sử dụng được lâu dài, bị hư hỏng, phải nằm bờ.
Ở Quảng Ngãi, theo thống kê toàn tỉnh hiện có 35 tàu đánh cá và dịch vụ hậu cần nghề cá được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 đã đi vào hoạt động. Sau một thời gian hành nghề, hầu hết các tàu vỏ gỗ đều hoạt động hiệu quả, còn 6 tàu vỏ thép liên tục bị hư hỏng khiến nhiều chủ tàu thua lỗ nặng nề, trong đó 3 tàu bắt đầu nợ quá hạn.
Ở Bình Định, số tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng nhiều hơn những nơi khác. Riêng huyện Hoài Nhơn có 7 tàu đóng tại công ty Nam Triệu (Hải Phòng) khi sử dụng thì 1 chiếc chìm, 6 chiếc bị trục trặc, khó vận hành. Huyện Phù Mỹ hạ thủy 9 tàu vỏ thép, trong đó có 8 tàu làm ăn thua lỗ, 4 tàu bị hư hỏng (3 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, 1 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng).
Huyện Phù Cát cũng có nhiều con tàu bị hư. Đó là chiếc tàu vỏ thép BĐ-99086 của ông Đinh Công Khánh ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát được đóng tại Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, trị giá hơn 18,5 tỉ đồng, gồm cả ngư lưới cụ. Tàu được hạ thủy vào tháng 9/2016 và một tháng sau, chủ tàu đi chuyến biển đầu tiên ở ngư trường Trường Sa với thời gian 30 ngày. Thế nhưng, mới đánh bắt được 10 ngày, hơn 1.200 cây đá ướp cá để trong hầm đã tan do bị lỗi, đành phải đưa tàu quay về để sửa chữa.
Chuyến đi biển đầu tiên chủ tàu bị lỗ hơn 200 triệu đồng. Đầu tháng 2/2017 (âm lịch), chiếc tàu này tiếp tục ra ngư trường Trường Sa nhưng mới vừa ra cửa biển, hộp số máy chính của tàu đã bị hỏng, đành phải đưa tàu về cảng cá, đợi sửa, thời gian kéo dài nhiều ngày trong lúc vụ cá Nam đang vào chính vụ, chưa biết khi nào tàu mới sửa xong.
Một số địa phương khác trong cả nước, ngư dân cũng lâm vào tình thế khó khăn trên do tàu vỏ thép kém chất lượng. Vì sao lại có tình trạng trên? Thực tế cho thấy bên cạnh những công ty đóng tàu làm ăn đàng hoàng, chân chính đã có một số đơn vị đóng tàu chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, làm ăn thiếu trách nhiệm, gây ra những tổn thất nặng nề cho ngư dân.
Một số công ty đóng tàu đổ lỗi cho ngư dân vận hành không quen, trong lúc đó ngư dân cho rằng các công ty đóng tàu tự thay đổi thiết kế, không đảm bảo chất lượng, có đơn vị không cho người dân giám sát trong quá trình thi công. Như vậy đang có những tranh chấp giữa các chủ tàu và đơn vị đóng tàu. Điều dễ nhận thấy là một số đơn vị đóng tàu không thực hiện đúng hợp đồng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết để đưa vào máy móc, phụ tùng, phụ kiện kém chất lượng.
Tại buổi làm việc ngày 5/5/2017 giữa chính quyền, người dân địa phương với đại diện phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, Công ty này chỉ đồng ý hỗ trợ cho mỗi tàu hư hỏng 133 triệu đồng (trong đó 33 triệu là tiền vẽ thiết kế cải hoán tàu và 100 triệu đồng sơn sửa lại con tàu). Tuy nhiên, ngư dân không đồng thuận đề xuất đó, bởi để sửa chữa lại toàn bộ hư hỏng, mỗi con tàu phải mất đến gần 500 triệu đồng. Một số chủ tàu cho rằng trong khi thi công có đơn vị sử dụng thép Trung Quốc thay vì dùng thép Hàn Quốc.
Đại diện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thừa nhận là tàu được đóng bằng thép Trung Quốc nhưng vẫn đạt chất lượng yêu cầu. Về vấn đề này, Công ty đã làm sai hợp đồng, bởi trong hợp đồng tàu phải được đóng bằng thép Hàn Quốc. Hơn nữa, thép còn được đóng sai quy cách, vỏ tàu phải được đóng thép dày 1 phân thì bị bớt xuống chỉ còn 8 ly, phần bên trong tàu phải được đóng bằng thép dày 8 ly thì chỉ còn 6 ly. Trong khi đó, số lượng thép dùng để đóng tàu là rất nhiều, vì thế con số chênh lệch là rất lớn…
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định có ý kiến rằng hầu như toàn bộ các tàu vỏ thép của ngư dân ở địa phương này qua kiểm tra đều không có tư vấn giám sát quá trình thi công. Còn ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam lý giải: “Nếu đóng tàu vỏ gỗ, nhà máy không lừa được ngư dân vì họ quá hiểu loại tàu này. Nhưng với tàu vỏ thép thì ngư dân không đủ trình độ xem bản vẽ thiết kế, rồi loại thép được đóng chất lượng ra sao, máy móc, trang thiết bị xuất xứ thế nào...Họ chỉ so sánh giá nhà máy A với nhà máy B, chỗ nào rẻ hơn mà làm được mẫu tàu phù hợp là họ chọn”.
Trước thực trạng nhiều chiếc tàu vỏ thép mới đóng theo Nghị định 67/CP bị hư, mới đây Bộ NN&PTNT có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu để đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
Ở Quảng Trị, nhiều tàu vỏ thép được đóng và đưa vào sử dụng, một số tàu đóng tại Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt và Công ty TNHH Đóng tàu Đà Nẵng chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Nhiều tàu ra khơi bám biển mang lại giá trị kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm và trả nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, trước thực trạng tàu vỏ thép ở nhiều địa phương không đảm bảo chất lượng, câu hỏi lớn được đặt ra là các cơ sở đóng tàu trên đang đóng tàu cho ai? Nếu cho ngư dân tại sao họ không sử dụng được, không ra được biển khơi đánh bắt dài ngày mà càng làm càng thua lỗ, gánh nặng nợ ngân hàng thêm chồng chất? Phải chăng một số đơn vị đóng tàu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân và những khe hở khác trong giám sát thi công để làm ra những con tàu chất lượng kém, làm cho người dân mất tin tưởng, điêu đứng.
Một chủ trương lớn vừa mang lại lợi ích cho người dân, vừa góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia đã bị một số đối tượng làm cho sai lệch. Để trả lời cho câu hỏi này, các ngành chức năng cần phải vào cuộc để điều tra, kiểm tra làm rõ. Nếu làm sai thì phải bị xử lý, bồi thường xứng đáng và phải bị rút giấy phép đóng tàu nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự nghiêm minh của pháp luật. Đừng đẩy ngư dân lâm vào tình cảnh khó khăn.
Quỳnh Anh