Đức và Mỹ hợp tác tăng cường quan hệ kinh tế song phương 

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin và Washington nhất trí duy trì đối thoại trong nhiều lĩnh vực. Về quan hệ song phương, hai bên cam kết tăng cường quan hệ kinh tế.
Đức và Mỹ hợp tác tăng cường quan hệ kinh tế song phương

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức và Mỹ sẽ thảo luận biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế song phương, sau khi chính quyền Mỹ vừa thông báo đình chỉ các biện pháp trừng phạt nhằm vào công ty Nord Stream 2 AG.

Tuyên bố trên được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra ngày 21/5.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình WDR của Đức, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xích lại gần hơn với Đức về quan điểm liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vốn bất đồng giữa hai bên, và giờ là lúc Đức và Mỹ phải thảo luận cụ thể hơn về những điểm tương đồng liên quan tới Nga.

Theo bà Merkel, Berlin và Washington nhất trí duy trì đối thoại trong nhiều lĩnh vực. Về quan hệ song phương, hai bên cam kết tăng cường quan hệ kinh tế.

Thủ tướng Merkel cho biết bà sẽ sớm gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại các hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời nêu rõ bà cũng như Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Armin Laschet-ứng cử viên thủ tướng Đức của liên đảng bảo thủ - đều cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của Đức.

[Đức: Mỹ miễn áp đặt một số trừng phạt với dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Ngoài ra, bà Merkel cũng cho biết Berlin và Washington sẽ thảo luận về chính sách với Nga, vấn đề Ukraine cũng như chính sách với Trung Quốc.

Hồi đầu tuần qua, chính quyền Mỹ đã thông báo hủy các biện pháp trừng phạt nhằm vào công ty Nord Stream 2 AG cũng như lãnh đạo công ty này, trong bối cảnh Washington đang tìm cách tái lập quan hệ với Đức - vốn nguội lạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo truyền thông Đức, quyết định nêu trên của Washington "bật đèn xanh" để dự án đường ống có thể nhanh chóng được hoàn tất, song có thể Mỹ cũng muốn có lợi ích với quyết định này.

Trả lời câu hỏi về lợi ích của Mỹ khi đưa ra quyết định trên, Thủ tướng Merkel cho rằng vấn đề này rất khó định lượng, bởi quan hệ đối tác thường dựa trên cơ sở đặt mình vào vị trí của đối phương để có phản ứng phù hợp nhằm tìm được cách thỏa hiệp.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, với quyết định của Mỹ, một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã được loại bỏ.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua Biển Baltic - hiện đã hoàn thiện được 95% khối lượng công việc. Theo thông tin gần đây, dự án lắp đặt đường ống vẫn còn thiếu 93km trên vùng biển Đan Mạch và 28km trên vùng biển của Đức./. 

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)
187 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1456
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1456
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88997299