Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 26/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ với cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng.
Phát biểu tại bang Goa ở miền Tây Ấn Độ, Thủ tướng Scholz lưu ý rằng hai nước đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược cách đây hơn 20 năm và hiện đang hướng tới mục tiêu tăng cường liên minh, bao gồm cả xuất khẩu vũ khí.
Trước đó, đại diện chính phủ 2 nước đã ký 27 thỏa thuận mới tại New Delhi sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Scholz và người đồng cấp chủ nhà Narendra Modi, về các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nghiên cứu và công nghệ quan trọng.
Cả hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí ủng hộ "tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng," theo một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ trọng tâm cụ thể là "hợp tác công nghệ, sản xuất/đồng sản xuất và đồng phát triển các nền tảng và thiết bị quốc phòng."
Trong 6 tháng đầu năm, Ấn Độ là nước tiếp nhận vũ khí Đức lớn thứ ba, theo dữ liệu của Bộ Kinh tế Đức. Đức đã phê duyệt các giấy phép xuất khẩu vũ khí trị giá 153,75 triệu euro (khoảng 166 triệu USD) sang quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đầu năm nay, Đức đã dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ và phụ tùng thay thế sang Ấn Độ như một ngoại lệ, do mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước, trong khi vẫn duy trì các quy định nghiêm ngặt về việc bán vũ khí hạng nhẹ cho các quốc gia không thuộc NATO.
Hiện tại, công ty Thyssenkrupp Marine Systems của Đức kỳ vọng sẽ tham gia đóng sáu tàu ngầm cho Hải quân Ấn Độ, trong khi tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ của châu Âu Airbus cũng đang tìm cách bán máy bay vận tải A400M cho đất nước rộng lớn nhất vùng Nam Á
Trong chuyến thăm vừa kết thúc, Thủ tướng Scholz cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều lao động Ấn Độ có tay nghề cao cho thị trường lao động Đức và thúc đẩy các cuộc đàm phán nhanh hơn giữa Liên minh châu Âu và Ấn Độ về một hiệp định thương mại tự do./.
Trong tuyên bố được nhà lãnh đạo Đức đưa ra sau cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Dehli, ông nhấn mạnh thông điệp chung của Berlin rất rõ ràng rằng hai nước cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa.