Để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, chính phủ liên bang Đức cam kết một khoản tín dụng hàng tỷ euro cho Gazprom Germania, công ty hiện nằm dưới quyền quản lý uỷ thác của một cơ quan liên bang của Đức.
Chính phủ Đức ngày 14/6 thông báo rằng Ngân hàng Tái thiết (KfW) thuộc sở hữu nhà nước sẽ cấp khoản vay có thể không phải hoàn lại cho Gazprom Germania - công ty con của tập đoàn Gazprom (Nga).
Thông báo của chính phủ không đề cập cụ thể tới khoản tín dụng, song theo các nguồn thạo tin từ chính phủ Đức, số tiền vào khoảng từ 9-10 tỷ euro.
Chính phủ Đức cũng đang xem xét khả năng chuyển khoản vay thành vốn chủ sở hữu nhằm "đảm bảo an ninh nguồn cung về dài hạn," đồng nghĩa với việc nhà nước có thể tham gia trực tiếp vào công ty này.
Ngoài ra, chính phủ Đức, Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính liên bang cũng quyết định gia hạn quyền quản lý ủy thác đối với Gazprom Germania sau tháng 9/2022 và cũng có thể được gia hạn nhiều lần sau đó. Cho đến nay, quyền quản lý uỷ thác chỉ dựa trên Luật Ngoại thương (AWG) và được giới hạn đến cuối tháng 9/2022.
Hồi tháng Tư vừa qua, Gazprom Germania đã được đưa vào diện quản lý uỷ thác của Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức, theo đó quyền biểu quyết từ các cổ đông Gazprom Germania được chuyển cho cơ quan này. Mọi quyết định của công ty cần có sự chấp thuận của người được ủy thác.
[Đức có kế hoạch cứu trợ công ty năng lượng Gazprom Germania]
Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức cũng đã bổ nhiệm một giám đốc quản lý, người có quyền ra các quy định liên quan.
Hiện công ty đang phải vật lộn với chi phí mua khí đốt cao hơn sau khi Nga hồi giữa tháng 5/2022 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Gazprom Germania cũng như hầu hết các công ty con của công ty này.
Việc không được nhận khí đốt do lệnh trừng phạt của Nga cũng như việc mua khí đốt thay thế với giá thị trường rất cao khiến tình hình tài chính của Gazprom Germania ngày một xấu thêm.
Chính phủ liên bang Đức cuối cùng quyết định đảm bảo thanh khoản cho công ty bằng khoản vay từ KfW để công ty có thể tiếp tục vận hành cũng như mua khí đốt.
Theo chính phủ Đức, với các biện pháp can thiệp kịp thời, Berlin vẫn duy trì được ảnh hưởng đối với công ty nằm trong hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng then chốt cũng như ngăn chặn nguy cơ an ninh năng lượng bị đe dọa.
Cùng với việc đảm bảo tín dụng nêu trên, Đức cũng đã đổi tên Gazprom Germania thành Công ty TNHH Năng lượng đảm bảo cho châu Âu (SEFE - Secure Energy for Europe GmbH).
Công ty hiện là đơn vị cung cấp khí đốt chủ chốt ở Đức, đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, vận chuyển khí đốt và vận hành các cơ sở lữu trữ khí đốt.
Chính phủ Đức nhấn mạnh, mục tiêu của các biện pháp được thực hiện là đảm bảo nguồn cung năng lượng ở Đức cũng như châu Âu và mô hình kinh doanh của SEFE cũng sẽ được điều chỉnh trên cơ sở này.
Cũng liên quan vấn đề khí đốt, Đức sẽ phải giảm đáng kể lượng khí đốt nhập từ Nga vào mùa Hè sau khi tập đoàn Gazprom thông báo sẽ giảm 40% lượng vận chuyển tối đa qua đường ống Nord Stream 1 Biển Baltic đến Đức.
Nguyên nhân dẫn tới việc giảm lượng khí đốt này là do việc sửa chữa và bảo trì các thiết bị nén khí của Siemens ở Canada bị chậm trễ và chưa thể đưa trở lại vận hành do vấp phải các lệnh trừng phạt của Canada.
Do vậy, sẽ chỉ có tối đa 100 triệu m3 khí đốt có thể được bơm qua đường ống mỗi ngày, tương đương với khoảng 60% sản lượng hằng ngày từ mức 167 triệu m3 thông thường.
Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế liên bang Đức, hiện tại, an ninh nguồn cung của Đức vẫn được đảm bảo và Berlin "tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình."
Hiện Bộ Kinh tế liên bang đang làm việc chính phủ Canada và Ủy ban châu Âu nhằm miễn trừ các lệnh trừng phạt của Canada đối với thiết bị nêu trên. Máy nén khí được xem là thiết bị không thể thiếu khi muốn tăng áp suất cần thiết của khí tự nhiên trong đường ống vận chuyển./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)