Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ từ Ủy ban Bầu cử Đức hôm 27/9, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử với 25,7% số phiếu, cao hơn liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo CDU/CSU với 24,1% số phiếu. Đảng Xanh đứng thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử với 14,8% phiếu bầu. Kết quả bầu cử chính thức dự kiến được công bố trong vài tuần tới.
Chiến thắng trên dường như đã củng cố tương lai cho lãnh đạo SDP Olaf Scholz trở thành người kế nhiệm bà Merkel – người sắp rời nhiệm sở sau 16 năm chèo lái đất nước. Tuy nhiên, vì chưa giành được tỷ lệ quá bán, SPD sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán liên minh để thành lập chính phủ mới.
Như vậy, sau những diễn biến gay cấn đến phút chót, cuộc bầu cử ở Đức đã kết thúc với kết quả chưa từng có tiền lệ trong thời hậu chiến. Sau nhiều năm giành ưu thế trong các cuộc bầu cử, liên minh CDU/CSU của bà Merkel đã bị mất phiếu ở ngay cả những khu vực bầu cử quan trọng. Lần đầu tiên kể từ những năm 1950, sau bầu cử lập pháp, các đảng phái ở Đức phải lập liên minh 3 bên mới có hy vọng thành lập được chính phủ. Kết quả này đồng thời cũng đánh dấu một bước tiến lớn so với cuộc bầu cử năm 2017, khi SPD chỉ giành được 20,5% số phiếu.
Trong nhiều ngày qua, báo chí thế giới, nhất là báo chí châu Âu đã có nhiều bài viết phân tích, nhận định về cuộc bầu cử Quốc hội Đức vì đây là một sự kiện chính trị có ảnh hưởng lớn đến tương lai khu vực. Cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần trước không chỉ là một bước ngoặt chính trị đối với nước Đức, mà nhìn rộng ra châu Âu, kết quả bầu cử Đức cũng đang được Bruxelles ngóng đợi, bởi Berlin đang đóng vai trò đầu tàu đối với nền kinh tế của khối.
Các đảng phái tìm kiếm kịch bản thành lập liên minh
|
Thủ tướng Angela Merkel (trái) và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz tại Meseberg, Đức, hồi tháng 4/2018. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù cuộc bầu cử Quốc hội liên bang của Đức đã khép lại với lợi thế nghiêng về đảng Dân chủ Xã hội (SPD), nhưng ghế Thủ tướng vẫn còn bỏ ngỏ. Tỷ lệ phiếu bầu cử gần như phân tán đều ở 4 đảng lớn ở Đức làm cho việc chọn ra Thủ tướng nước này gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là cả SPD và CDU/CSU đều phải tiến hành các cuộc đàm phán liên minh để thành lập chính phủ mới.
Theo CNN, nhiều khả năng SPD hoặc CDU/CSU sẽ thành lập chính phủ liên minh với đảng Xanh, hoặc đảng Dân chủ Tự do (FDP) để đảm bảo đa số ghế trong Quốc hội Đức đủ điều kiện để chọn ra Thủ tướng mới.
Còn hãng AP đưa tin, hiện lãnh đạo của các đảng mới được bầu vào Quốc hội đã họp. Đảng SPD dự kiến lập liên minh với đảng Xanh và FDP nhằm có được đa số ở Quốc hội, dù hai đảng trên có thể kết hợp với phe bảo thủ.
Còn đảng Xanh và FDP cho biết, ban đầu họ sẽ họp với nhau trước để tìm ra các lĩnh vực thỏa hiệp rồi mới đàm phán với CDU và SPD. Nếu thành công trong việc thành lập liên minh này thì ông Scholz sẽ trở thành Thủ tướng SPD thứ tư của nước đức trong thời hậu chiến.
Trong khi đó, hãng tin DW cho biết, dựa vào kết quả bầu cử sơ bộ, một phương án có thể tính đến đó là CDU/CSU bắt tay với SPD để thành lập “đại liên minh” cùng lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, các đảng phái có thể thành lập liên minh ba bên, với các sự lựa chọn gồm CDU/CSU, đảng Xanh và FDP; SDP, đảng Xanh và FDP.
Theo bài phân tích trên tờ The Guardian của Anh, cuộc bầu cử năm nay đã đánh dấu cho một sự “dịch chuyển thế hệ” trên chính trường Đức. Theo bài báo, hiện SDP đã bắt đầu cân nhắc những gương mặt trẻ tuổi nắm giữ các vị trí quan trọng trong Nội các, với khoảng 1/3 trong số này là những người chỉ ở độ tuổi dưới 40. Trong khi đó, CDU cũng đang có động thái nhằm thay đổi vị trí của những chính trị gia lớn tuổi… Dù kịch bản nào trở thành hiện thực thì tương lai của nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang có nền tảng để đón nhận những điều mới mẻ.
Sau cuộc bầu cử hôm 26/9, lần đầu tiên kể từ những năm 1950, các đảng phái ở Đức phải lập liên minh ba bên mới có hy vọng thành lập được chính phủ. Kết quả bầu cử đã đưa nước Đức bước vào giai đoạn “bất định” hậu bầu cử lập pháp khi các đảng phải tìm kiếm liên minh và cùng đi đến thỏa hiệp cho những vấn đề gai góc. Điều này lại càng khó khăn hơn khi một liên minh ba bên được thành lập, bởi điều đó cũng đồng nghĩa với việc các vị trí chủ chốt sẽ bị san sẻ, hay thậm chí cắt bỏ trước khi chính phủ mới nhậm chức. Những thách thức đặt ra sau cuộc bầu cử đã dự báo trước về một khoảng thời gian khó khăn kéo dài mà các đồng minh của Berlin ở châu Âu phải chờ đợi trước khi chính phủ mới ở Đức được hình thành và đưa ra những quyết sách can dự ở khu vực.
Để chiều lòng các cử tri thất thường thì sự chờ đợi sẽ kéo dài?
|
Báo chí thế giới đưa tin về cuộc bầu cử tại Đức. (Ảnh: DW) |
Trong khi chờ đợi kết quả liên minh giữa các đảng, bà Angela Merkel vẫn tiếp tục giữ chức Thủ tướng Đức. Đây cũng không phải là điều mới mẻ bởi khi sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2017, chính quyền bà Merkel cũng đã phải mất gần 6 tháng mới có thể thành lập chính phủ mới. Hiện khó có thể dự đoán các cuộc đàm phán thành lập liên minh ở Đức sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhưng cả lãnh đạo SDP là ông Sholz và ứng cử viên Thủ tướng của CDU/CSU Armin Laschet đều mong muốn tiến trình thảo luận thành lập chính phủ mới sẽ kết thúc vào Giáng sinh năm nay.
Trong khi đó, báo chí các nước ngoài dự báo Đức sẽ phải đối mặt với một tiến trình đàm phán dài để tìm kiếm liên minh. “Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ trở thành Thủ tướng Đức. Tất cả những tín hiệu phát đi đều cho thấy, sẽ phải cần đến nhiều tuần hay thậm chí là nhiều tháng để nước Đức có thể thành lập chính phủ liên minh” – tờ Politiken của Hà Lan nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo Politiken thì cho dù kết quả bầu cử có ra sao thì thực tế đã quá rõ ràng, đó là nhiệm vụ lớn nhất của chính phủ mới tại Đức là tiếp tục đưa đất nước tiến xa hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. “Điều này không chỉ quan trọng với riêng người Đức mà còn đối với toàn bộ Liên minh châu Âu – EU)” – tờ báo viết.
Còn tờ Daily Mail của Anh cho rằng, người Đức dù đã bỏ phiếu để tìm ứng cử viên thay thế bà Merkel thì nay vẫn phải đồng ý để bà tiếp tục lãnh đạo đất nước. Theo nhật báo của Anh thì nữ Thủ tướng Đức có thể sẽ tiếp tục tại vị cho đến tận cuối năm nay, sau khi cuộc bầu cử Quốc hội Đức kết thúc trong tình thế khó.
Nhật báo De Tijd của Bỉ dự báo, các nhà đàm phán đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn để chiều lòng các “cử tri thất thường” của Đức. Cũng theo bài báo, thì tín hiệu an ninh tốt nhất mà châu Âu mong đợi đó là Đức nhanh chóng thành lập được một chính phủ liên minh. “Không có gì báo đảm cho sự ổn định mà chúng tôi tìm kiếm… Tuy nhiên, cũng như ở Đức, sự đồng thuận ở châu Âu dường như đã không còn… Đây là một tín xấu không chỉ đối với Đức mà còn đối với cả châu Âu”, De Tijd viết.
Cũng nhân sự kiện bầu cử diễn ra tại Đức, nhiều tờ báo nước ngoài đã ca ngợi bà Merkel với những thành tựu sau 16 năm chèo lái nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Tờ The Independent của Anh ca ngợi bà Merkel là Nữ hoàng châu Âu. Thế giới phương Tây từng hướng đến bà như một nhà lãnh đạo và người đề xướng các giá trị dân chủ tự do, tôn trọng trật tự quốc tế cũ dựa trên luật lệ…
Sau 16 năm lãnh đạo đất nước, bà Merkel đã trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất và để lại nhiều di sản quan trọng do nước Đức. Những người yêu mến Merkel ca ngợi bà ở mọi phương diện, từ người lãnh đạo của thế giới tự do đến một Joan of Arc (nữ anh hùng xứ Arc) đương đại. Bà nhiều lần được xướng tên trong số những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Theo Washington Post, chắc chắn là sự ra đi của bà Merkel sẽ để lại khoảng trống cho nước Đức cả đối nội và đối ngoại. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho tân Thủ tướng Đức kế nhiệm.
Trong khi đó, tờ New Zeland Herald lại chỉ ra rằng, dù nhiều người không đồng ý với cách tiếp cận ổn định, điềm tĩnh của bà Merkel, nhưng đối với nhiều người khác thì sự “bình tĩnh và ổn định” của nữ Thủ tướng Đức lại là yếu tố “cần thiết” trong những thời điểm bất ổn./.