Ngày 31/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa sân bay Kabul, trong bối cảnh các nước phương Tây đang cân nhắc cách thức có thể sơ tán thêm người dân khỏi Afghanistan sau khi kết thúc các chuyến bay sơ tán do Mỹ đứng đầu.
Theo bà Merkel, hàng nghìn người Afghanistan làm việc với các lực lượng Đức trong những năm gần đây và những người dễ bị tổn thương vẫn đang tìm cách rời khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Do đó, cần duy trì việc mở cửa sân bay Kabul, bởi đây cũng là điểm đến của viện trợ y tế hoặc nhân đạo, cũng là nơi có tầm quan trọng hàng đầu đối với công việc của Liên hợp quốc. Đức cũng đang đàm phán với các nước láng giềng Afghanistan để tiến hành sơ tán trên bộ.
Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo Taliban đang đàm phán với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ về việc quản lý sân bay ở Kabul và cần phải đảm bảo an toàn cho sân bay này càng sớm càng tốt để những người muốn rời khỏi Afghanistan có thể thực hiện điều này qua những chuyến bay thương mại.
Giới chức Mỹ cho biết phần lớn cơ sở hạ tầng cơ bản của sân bay Kabul đã xuống cấp hoặc bị phá hủy. Taliban đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xử lý mặt hậu cần trong khi lực lượng này duy trì kiểm soát an ninh, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn chưa chấp nhận đề nghị này.
Thủ tướng Merkel khẳng định Đức sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để duy trì sân bay hoạt động.
[Taliban đưa lực lượng đặc nhiệm tới kiểm soát sân bay Kabul]
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở cửa sân bay Kabul, đồng thời cam kết sẽ không "quên" những người Afghanistan chưa thể sơ tán khi Mỹ và các lực lượng đồng minh rời đi.
Theo ông Stoltenberg, cần phải duy trì việc mở cửa sân bay để có thể vừa hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan vừa đảm bảo có thể đưa những người muốn sơ tán rời khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, điều này không thể là một phần của việc sơ tán quân sự.
Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng còn quá sớm để quyết định liệu có bàn thảo với Taliban về việc đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan hay không, cũng như cách thức làm việc với lực lượng này.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh, điều này sẽ phụ thuộc vào việc Taliban thực hiện các cam kết, trong đó có việc tôn trọng các quyền con người. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết Anh dự định gây áp lực đối với Taliban để thực hiện những cam kết mà lực lượng này đã đưa ra./.
Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)