Đức muốn thiết lập một nền tảng mới cho mối quan hệ với Mỹ 

Ngoại trưởng Maas đã đề nghị Mỹ thiết lập một "thỏa thuận mới" nhằm tạo nền tảng chung thúc đẩy dân chủ, nhấn mạnh trách nhiệm lớn hơn của Đức.
Đức muốn thiết lập một nền tảng mới cho mối quan hệ với Mỹ

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 9/3 tuyên bố Đức muốn thiết lập một nền tảng mới cho mối quan hệ với Mỹ sau giai đoạn xuống thấp dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuyên bố này của nhà ngoại giao Đức được đưa ra trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Viện Brookings của Mỹ tổ chức, Ngoại trưởng Maas đã đề nghị Mỹ thiết lập một "thỏa thuận mới" nhằm tạo nền tảng chung thúc đẩy dân chủ, nhấn mạnh trách nhiệm lớn hơn của Đức trong giải quyết xung đột ở các khu vực giáp châu Âu cũng như một chiến lược chung đối với các nước lớn.

Ngoại trưởng Maas ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Mỹ Biden về việc sớm mời các nền dân chủ lớn trên thế giới tham dự một hội nghị thượng đỉnh, đồng thời ủng hộ các biện pháp quốc tế chống lại các thông tin sai lệch và thuyết âm mưu.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh trách nhiệm của Đức trong nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột nhằm mang lại sự ổn định cho khu vực lân cận của châu Âu.

[Đức mong muốn muốn duy trì hiện diện quân sự tại Afghanistan]

Ông cũng đề cập tới những nỗ lực ngoại giao của Đức trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Libya và sự can dự của binh sĩ nước này ở Afghanistan.

Ngoại trưởng Maas nêu rõ châu Âu không muốn tách biệt khỏi Mỹ trong chính sách an ninh, cho rằng đầu tư cho chủ quyền của châu Âu chính là đầu tư cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Liên quan vấn đề chi tiêu quốc phòng, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh chi tiêu quốc phòng của Đức đã tăng 50% kể từ năm 2014 và sẽ tiếp tục theo hướng này.

Ngân sách dành cho quốc phòng là một trong số vấn đề gây cẳng thẳng chính giữa Đức với chính quyền cựu Tổng thống Trump, kể cả các chính phủ tiền nhiệm ở Mỹ luôn bày tỏ không hài lòng về việc Đức thiếu sẵn sàng đầu tư cho quân sự.

Về vấn đề thương mại, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh Đức và Mỹ nên "phá vỡ" vòng luẩn quẩn trừng phạt thuế quan lẫn nhau, cho rằng đây không phải là cách ứng xử của các đối tác.

Ông đề xuất đàm phán về các hiệp định thương mại công bằng theo ngành nghề cụ thể nhằm nâng cao các tiêu chuẩn về xã hội và sinh thái, qua đó giúp nâng cao ảnh hưởng toàn cầu của hai bờ Đại Tây Dương.

Trong quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc và Nga, Ngoại trưởng Maas kỳ vọng một cách tiếp cận chung với Mỹ, kể cả các biện pháp trừng phạt.

Ông nêu rõ: "Tôi hy vọng chúng ta có thể trở lại lập trường xuyên Đại Tây Dương chung về các biện pháp trừng phạt có mục tiêu sau, điều không thể có được trong bốn năm qua."

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Đức không đề cập đến điểm gây tranh cãi chính hiện nay trong quan hệ Đức-Mỹ, đó là dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga đến Đức.

Theo các tuyên bố mới đây của giới chức Mỹ, dường như Washington không thay đổi quan điểm trong vấn đề này so với chính quyền tiền nhiệm. Mỹ muốn dừng dự án khí đốt này vì lo ngại châu Âu quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

Chính phủ liên bang Đức đang kỳ vọng đạt được một thỏa thuận thông qua đàm phán với Mỹ, song cho tới nay các cuộc thảo luận như vậy vẫn chưa được khởi động.

Tại Hội nghị An ninh Munich mới đây, Tổng thống Biden đã gửi thông điệp tới người dân châu Âu rằng "nước Mỹ đã trở lại."

Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Maas là nhằm đáp lại thông điệp của nhà lãnh đạo Mỹ, đó là nước Đức luôn sát cánh vì quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

 

238 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 786
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 786
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88341667