Đức lùi cuộc bỏ phiếu về ngân sách để "xem xét cẩn thận" kế hoạch chi tiêu 

Tại Đức, một phán quyết mới đây của tòa án đã gây rối loạn cho kế hoạch công bố ngân sách năm 2024 của Chính phủ liên minh, thậm chí có thể tiếp tục tác động đến kế hoạch tài chính cho đến năm 2027.
Đức lùi cuộc bỏ phiếu về ngân sách để "xem xét cẩn thận" kế hoạch chi tiêu

Chính phủ Đức ngày 22/11 thông báo lùi lại cuộc bỏ phiếu cuối cùng về ngân sách của năm tới sau khi Tòa án Hiến pháp Liên bang ra phán quyết rằng việc chuyển đổi mục đích khoản tín dụng 60 tỷ euro (khoảng 65 tỷ USD) phân bổ cho đại dịch COVID-19 sang các sáng kiến xanh trong Quỹ Khí hậu và Chuyển đổi (KTF) là vi hiến.

Phán quyết trên đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong kế hoạch chi tiêu của nước này.

Phán quyết gây rối loạn cho kế hoạch công bố ngân sách năm 2024 của Chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu, thậm chí cũng có thể tiếp tục tác động đến kế hoạch tài chính cho đến năm 2027.

Trong một tuyên bố, các đảng liên minh cho biết phiên họp Quốc hội nhằm thống nhất ngân sách cuối cùng cho năm 2024 dự kiến diễn ra vào tuần tới sẽ không diễn ra nữa.

Cả ba đảng trong liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đều cho rằng việc lùi lại cuộc bỏ phiếu cuối cùng là cần thiết để “xem xét một cách cẩn thận” phán quyết của tòa án đối với các kế hoạch chi tiêu của Chính phủ.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Sindelfingen (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đức: Đòn giáng ngân sách “kích hoạt” cảnh báo tăng trưởng và việc làm năm 2024

Liên minh của Thủ tướng Đức đang cố gắng khắc phục “lỗ hổng” tài chính lớn sau khi tòa án ra phán quyết ngăn Chính phủ chuyển 60 tỷ euro tiền chưa sử dụng từ đại dịch COVID-19 sang hỗ trợ công nghiệp.

Phán quyết của tòa án về nợ đã khiến Chính phủ buộc phải đánh giá lại các ưu tiên trong chi tiêu cũng như tìm kiếm những giải pháp thay thế để phân bổ tài chính cho các kế hoạch hoặc thực hiện chính sách tiết kiệm mới.

Sau quyết định của tòa án, chính phủ đã đình chỉ hầu hết các dự án được tài trợ thông qua Quỹ biến đổi khí hậu và áp đặt lệnh “đóng băng” rộng rãi đối với các khoản chi tiêu mới trong thời gian còn lại của năm 2023.

 

Cuộc khủng hoảng ngân sách hiện nay đang làm gia tăng sự chia rẽ trong liên minh cầm quyền về cách sử dụng đúng mục đích ngân sách cũng như đặt dấu hỏi về tính nghiêm ngặt trong quy định chi tiêu của Đức.

Lãnh đạo đảng Xanh Ricarda Lang lên tiếng cảnh báo rằng Đức sẽ bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Bà Ricarda cho rằng tiết kiệm cho các vấn đề xã hội nói riêng không phải là một ý tưởng hay vì Chính phủ cũng phải duy trì sự gắn kết xã hội.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng SPD Lars Klingbeil nhận định không nên để cho phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang làm chậm chễ quá trình hiện đại hóa ở Đức vì hiện đại hoá đồng nghĩa với tạo thêm việc làm và đảm bảo rằng nước Đức vẫn là một địa điểm kinh doanh vững mạnh.

Chính sách phanh nợ của Đức được áp dụng từ năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 0,35% GDP.

Để đối phó với hạn chế trong khả năng vay vốn, Chính phủ Đức thành lập các quỹ ngoài ngân sách, giống như quỹ ứng phó COVID-19.

Chính sách “phanh nợ” đã bị đình chỉ từ năm 2020 đến năm 2022 trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng, nhưng đã có hiệu lực trở lại vào năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)
354 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 862
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 862
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87106408