Đức hy vọng Iran đưa ra đề xuất thực tế trong đàm phán khôi phục JCPOA 

Ngày 6/12, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran bằng con đường ngoại giao dù thời gian sắp hết.
Đức hy vọng Iran đưa ra đề xuất thực tế trong đàm phán khôi phục JCPOA

Ngày 6/12, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran bằng con đường ngoại giao dù thời gian sắp hết. Cũng theo quan chức trên, Đức hy vọng phái đoàn Iran sẽ trở lại vòng đàm phán ở Vienna (Áo) “với những đề xuất thực tế.”

Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức được đưa ra trong bối cảnh Iran ngày 2/12 thông báo đã gửi tới Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức và Liên minh châu Âu (EU) 2 bản dự thảo đề xuất nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Các đề xuất liên quan 2 vấn đề gây khúc mắc chính trong thỏa thuận, đó là việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran và các cam kết hạt nhân của Iran. Dự thảo đầu tiên nêu rõ các quan điểm của Iran đối với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này; dự thảo thứ hai là về các hoạt động hạt nhân của Iran.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri cho rằng các bên còn lại cần xem xét những tài liệu này và coi đây là cơ sở tham khảo chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Iran.

Tuy nhiên, Mỹ cùng các nước châu Âu tham gia đàm phán cho rằng Tehran “dường như không nghiêm túc” về việc quay lại bàn đàm phán khi đưa ra 2 đề xuất như vậy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhận xét những đề xuất này là "không thể chấp nhận được."

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 6/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng đã đến lúc các bên tham gia JCPOA phải làm rõ lập trường về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Phát biểu tại một cuộc họp báo định kỳ, ông Khatibzadeh nhấn mạnh Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào nằm ngoài JCPOA đồng thời sẽ không đưa ra thêm cam kết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng bác bỏ khả năng có một thỏa thuận tạm thời thay vì nỗ lực cứu vãn thỏa thuận JCPOA.

[Châu Âu đánh giá lập trường của Iran để quyết định về đàm phán JCPOA]

JCPOA được ký năm 2015, theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận, đồng thời yêu cầu đàm phán lại về những điều khoản mà Washington cho là lỏng lẻo.

Tehran không chấp nhận yêu cầu này và Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Phía Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.

Trong vòng đàm phán mới, phía Iran ưu tiên việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước, trong khi phía Mỹ đặt lên hàng đầu yêu cầu Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA sẽ được nối lại vào giữa tuần này tại Vienna, sau khi bị hoãn lại trong ngày 3/12. Tham dự vòng đàm phán mới có các đoàn đàm phán từ Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, trong khi phái đoàn Mỹ tham dự gián tiếp thông qua sự trung gian của EU./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

 

207 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 563
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 563
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235695