Theo các dữ liệu mới công bố ngày 15/3, Đức đã đạt mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã đề ra cho năm 2022 dù việc phải tăng sử dụng than đá đã phần nào làm tăng ô nhiễm trong lĩnh vực năng lượng.
Theo Cơ quan Môi trường liên bang, mức phát thải của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 1,9% trong năm 2022 so với năm trước đó.
Tổng cộng, Đức thải ra môi trường 746 tỷ tấn khí nhà kính trong năm 2022, ít hơn 10 tấn so với mục tiêu đã đặt ra cho cả năm.
[Triển vọng hydro xanh trong quá trình giảm phát thải khí nhà kính]
Mức phát thải chung của Đức vẫn giảm dù phát thải trong lĩnh vực năng lượng tăng do nước này phải quay lại sử dụng các nhà máy điện than để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga giảm.
Theo đó, mức phát thải trong lĩnh vực năng lượng tăng 4,4% và đây là năm thứ 2 liên tiếp phát thải trong lĩnh vực này tăng.
Cũng theo cơ quan trên, từ năm 1990, Đức đã nỗ lực giảm 40,4% mức phát thải.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra đến năm 2030, Đức cần tăng tốc hành động. Theo đó, mức phát thải giảm mỗi năm phải là 6% trong khi trung bình hằng năm tính từ năm 2010, Đức đạt mức giảm phát thải là 2%.
Năm 2022, Đức cũng ghi nhận kỷ lục 20,4% năng lượng được sản xuất từ các nguồn tái tạo như mặt trời và gió.
Dù vậy, Giám đốc Cơ quan Môi trường liên bang Đức Dirk Messner nhấn mạnh nước này cần tăng mạnh tốc độ mở rộng ngành năng lượng tái tạo để đạt các mục tiêu khí hậu đến năm 2030.
Về phần mình, Bộ trưởng Môi trường Đức Robert Habeck đánh giá những kết quả nêu trên là đáng khích lệ, đồng thời kêu gọi nhân rộng ngay lập tức các biện pháp bảo vệ khí hậu./.
(TTXVN/Vietnam+)