Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức đã chính thức chấm dứt sản xuất urani tại nước này.
Truyền thông Đức cho biết ngày 1/6, chuyến vận chuyển urani cuối cùng đã rời khuôn viên công ty nhà nước Wismut ở khu vực Königstein, phía Đông Nam thành phố Dresden thuộc bang Sachsen, qua đó chính thức khép lại quá trình khai thác và sản xuất urani ở Đức tồn tại 75 năm qua.
Theo công ty Wismut, đây được coi là sự kết thúc một phần quan trọng trong lịch sử nước Đức.
[Iran tuyên bố vẫn đang tiến hành làm giàu urani ở mức 60%]
Hoạt động khai thác và sản xuất urani bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh và có ảnh hưởng đến tận ngày nay. Hiện tại, Đức không còn nằm trong danh sách các nước sản xuất urani trên thế giới.
Chuyến vận chuyển cuối cùng có khối lượng 19,5 tấn, gồm nước, urani và oxit urani được tách trong quá trình xử lý nước tại khu vực Königstein. Hỗn hợp này được lưu trữ từ lâu và đã được bán cho công ty hạt nhân Fuels của Mỹ từ năm 1997.
Hỗn hợp urani này đã được dỡ bỏ hoàn toàn dưới sự giám sát chặt chẽ của Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Cho đến năm 1990, Cộng hòa Dân chủ Đức khi đó là nước sản xuất urani lớn thứ 4 trên thế giới.
Urani được sản xuất tại Đức từng được cung cấp cho chương trình hạt nhân của Liên Xô trước đây.
Theo kế hoạch trước đây, việc sản xuất urani ở Đức dự kiến kết thúc vào năm 1990. Tuy nhiên sau đó, 3.350 tấn urani vẫn tiếp tục được sản xuất ở hai bang Sachsen và Thüringen.
Từ năm 1946 cho đến khi ngừng sản xuất đã có 216.350 tấn urani được sản xuất.
Công ty Wismut đã và đang tiến hành bù đắp những thiệt hại do hoạt động khai thác urani gây ra.
Đến nay, Chính phủ Đức đã cung cấp 6,8 tỷ euro (8,3 tỷ USD) cho việc này./.
Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)