Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Gabriel cho rằng cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, châu Âu hiện đang phải đối mặt với những mối nguy hiểm từ cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Đây cũng chính là lý do vì sao khu vực châu Âu cần phải bắt đầu đưa ra những sáng kiến mới về kiểm soát và giải trừ vũ khí.
Ngoại trưởng Gabriel khẳng định Berlin sẽ phối hợp với các đồng mình và đối tác để xúc tiến và tiến hành giải trừ vũ khí trên toàn thế giới.
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Đức được cho là động thái phản ứng trước việc Mỹ vừa công bố Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) hôm 2/2, trong đó gồm nội dung chi tiết về tầm nhìn của quân đội Mỹ đối với các mối đe dọa hạt nhân cũng như phản ứng của Washington đối với các mối đe dọa trong những thập kỷ tới.
Báo cáo cho rằng nước Mỹ đang đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân.
Nhấn mạnh cái gọi là "mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga," bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe. Tuy nhiên, báo cáo này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga và Trung Quốc./.