Phát biểu ngày 3/5 với báo giới cùng người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tái khẳng định sự hợp tác với hai nước cũng như ủng hộ mạnh mẽ hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại cuộc họp Nội các Đức kéo dài trong hai ngày 3-4/5 ở lâu đài Meseberg, Thủ tướng Scholz muốn thảo luận với lãnh đạo các bộ ngành cũng như Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson về cách thức phản ứng với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với chính sách an ninh của châu Âu cũng như tác động của quá trình chuyển đổi do biến đổi khí hậu đối với mô hình kinh tế Đức.
Lãnh đạo một số viện nghiên cứu kinh tế Đức cũng tham gia cuộc thảo luận.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên cạnh hai người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển, Thủ tướng Scholz cam kết sự ủng hộ của Đức nếu hai nước nộp đơn gia gia nhập NATO.
Theo nhà lãnh đạo Đức, nộp đơn xin gia nhập NATO là do Phần Lan và Thụy Điển tự quyết định.
Ông nói: "Nhưng với chúng tôi, điều rõ ràng là khi hai nước quyết định muốn gia nhập khối liên minh NATO, các vị có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi."
Ông khẳng định bất kể quy chế thành viên NATO như thế nào hoặc cho tới khi có quyết định về việc tiếp nhận vào liên minh, Phần Lan và Thụy Điển có thể luôn tin tưởng vào sự hỗ trợ của Đức.
Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã cam kết đẩy nhanh quá trình tiếp nhận một khi hai nước nộp đơn xin gia nhập NATO.
Về phần mình, Thủ tướng Phần Lan Marin nhấn mạnh, vấn đề Ukraine đã làm thay đổi hoàn toàn tình hình an ninh và trước tình hình thế giới đang thay đổi, Phần Lan phải quyết định gia nhập hay tiếp tục độc lập với NATO.
Bà cũng đánh giá cao vai trò dẫn dắt của Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Dự kiến, một quyết định liên quan việc gia nhập NATO của Phần Lan có thể được đưa ra vào ngày 12/5 tới.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Andersson nhấn mạnh rằng tình hình an ninh mới đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước Baltic trong Liên minh châu Âu (EU) và với các đối tác xuyên Đại Tây Dương.
[Thủ tướng Đức nhấn mạnh ưu tiên tránh đối đầu NATO-Nga]
Bà cho biết quyết định về việc gia nhập NATO sẽ được đưa ra tại Quốc hội, song với tư cách là người đứng đầu chính phủ, bà hiểu rõ tầm quan trọng của việc tăng ngân sách cho quốc phòng và Thụy Điển cũng sẽ đặt mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quân đội trong tương lai. Theo bà, "mọi lựa chọn" đều đang để ngỏ.
Dự kiến vào ngày 13/5 tới, Thụy Điển sẽ công bố báo cáo phân tích cơ bản về chính sách an ninh, trong đó có thể đề cập tới quy chế thành viên NATO của nước này. Một quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các cuộc thăm dò dư luận ở Thụy Điển và Phần Lan - hai quốc gia cho tới nay vốn trung lập về chính sách an ninh, cho thấy gia tăng quan điểm ủng hộ hai nước gia nhập NATO.
Nhiều đảng trong các cơ quan nghị viện ở Stockholm và Helsinki cũng bày tỏ ủng hộ việc hai nước này trở thành thành viên NATO.
Tuy nhiên, cho tới nay, thủ tướng hai nước Bắc Âu vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm liên quan vấn đề này./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)