Đưa trẻ trở lại trường - Nhìn từ thế giới 

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang tác động không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội thì việc trẻ em được quay trở lại trường học dường như là thông tin “nửa mừng nửa lo” đối với cả phụ huynh và học sinh. Làm thế nào để tạo mọi điều kiện tốt nhất, an toàn nhất nhằm có thể sớm đưa học sinh trở lại trường đang là vấn đề được hầu hết các quốc gia quan tâm.
Đưa trẻ trở lại trường - Nhìn từ thế giới

Trải qua một quãng thời gian học tập liên tục bị ngắt quãng bởi đại dịch thì việc mở cửa lại trường học đang là vấn đề rất được quan tâm bởi theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), những tác hại khi học sinh không được đi học “có thể không bao giờ bù đắp được".

 Nhiều trường học phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19. (Ảnh: UN)

Những tác hại khó có thể bù đắp

Mỗi khi các đợt dịch COVID-19 bùng phát, trường học luôn là một trong những nơi bị đóng cửa đầu tiên. Thực tế này khiến trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần. Việc đóng cửa trường học còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nhóm trẻ em trước đại dịch vốn đã gặp phải rào cản trong việc tiếp cận với giáo dục hoặc những trẻ có nguy cơ không thể đến trường vì nhiều lý do như trẻ em khuyết tật, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, người xin tị nạn, người đang tị nạn và trẻ em trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm…

Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ y tế và tiêm chủng cũng như một bữa ăn bổ dưỡng. Trường học đóng cửa càng lâu, trẻ em càng bị tước đoạt những khía cạnh thiết yếu của tuổi thơ.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khuyến cáo việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em không được cung cấp các bữa ăn và tiêm chủng thông thường trong môi trường học đường, phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực. Đối với một số em, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm. Một minh chứng rõ rệt là tại Uganda, từ tháng 3/2020 – 6/2021, tỷ lệ mang thai ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ từ 10 - 24 tuổi đã tăng hơn 20%.

Hay theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố hồi tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên trong 2 thập niên trở lại đây, lao động trẻ em đã tăng, lên 160 triệu, đảo ngược xu thế giảm trước đó. ILO cũng cảnh báo khoảng 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ phải bỏ học và gia nhập đội ngũ lao động do COVID-19.

Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ học sinh chưa đáp ứng được công việc và nhu cầu chăm sóc, giáo dục con cái. Một số người đã mất việc làm hoàn toàn, đẩy gia đình họ vào cảnh nghèo đói và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế.

Không những thế, trong khi đào tạo từ xa đã là một cứu cánh cho hàng triệu học sinh, thì khả năng tiếp cận công nghệ và chất lượng của các chương trình giáo dục lại không đồng nhất giữa các cộng đồng và giữa các khu vực. Thống kê của UNICEF cho thấy đối với ít nhất 1/3 số trẻ em đang đi học trên thế giới, việc học từ xa là không thể tiếp cận được. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, cơ quan Liên hợp quốc ước tính rằng hơn 80 triệu trẻ em không được tiếp cận với bất kỳ chương trình giáo dục từ xa nào trong thời gian trường đóng cửa. Các trường học ở miền Nam châu Phi và Uganda đã bị đóng cửa trong 306 ngày và là quốc gia có kết nối Internet tại nhà thấp nhất (0,3%); tiếp theo là Nam Sudan với 231 ngày đóng cửa trường học và chưa đầy 0,5% học sinh truy cập Internet ở nhà. Tại Nam Phi, việc đóng cửa trường học có nghĩa là 400.000 - 500.000 học sinh đã bỏ học hoàn toàn trong 16 tháng qua.

UNICEF lưu ý rằng kinh nghiệm cho thấy trường học không phải là yếu tố chính trong việc lây truyền COVID-19, và có thể giữ cho trường học được mở cửa. Chính vì vậy, vào thời điểm hiện tại, mỗi quốc gia trên thế giới đang ở một giai đoạn khác nhau xét về cách thức và thời điểm dự kiến mở cửa lại trường học. Quyết định này thường được đưa ra sau khi cân nhắc những lợi ích và nguy cơ về mặt giáo dục, y tế cộng đồng và kinh tế - xã hội phù hợp với bối cảnh của từng địa phương.

Nỗ lực đưa trẻ trở lại trường học

Thời gian trở lại đây, nhiều quốc gia, nhất là các nước có tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cao, đã bắt đầu lên phương án mở cửa trở lại các trường học.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 2/9 vừa qua, 12,4 triệu học sinh và 866.500 giáo viên ở Pháp đã quay trở lại trường học. Để mở cửa trường học an toàn, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer đã công bố quy trình cảnh báo 4 màu: xanh, vàng, cam, đỏ đối với COVID-19. Tất cả trường học đều bắt đầu với mức vàng, mức cho phép học sinh các khối lớp được học trực tiếp và bắt buộc phải đeo khẩu trang, trừ khi chơi các môn thể thao trong nhà và bảo đảm giữ khoảng cách an toàn. Các môn thể thao đòi hỏi tiếp xúc gần bị cấm tổ chức trong nhà trường. Ngoài ra, Pháp cũng là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên kể từ hôm 15/6.

Trong khi đó, Đức đang mở rộng chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Đây là một trong những nỗ lực để nước này bắt đầu năm học mới vào mùa thu năm 2021. Không những thế, Chính phủ liên bang Đức còn chi 200 triệu euro hỗ trợ các bang ở nước này trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ. Bộ Kinh tế Liên bang Đức cho rằng, cần phải có biện pháp tốt nhất bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi ở các trường học và nhà trẻ, những đối tượng chưa có vaccine phòng COVID-19.

Chính phủ Séc cũng vừa ban hành bộ quy tắc mới cho phép học sinh trở lại trường học. Theo đó, học sinh phải xét nghiệm nhanh COVID-19 ngay khi tới trường. Học sinh chưa thực hiện xét nghiệm cũng sẽ không được tham gia vào các hoạt động trong nhà và các hoạt động thể chất của nhà trường. Đội ngũ giáo viên, nhân viên tại các trường học cũng phải xét nghiệm.

Tại châu Á, Thái Lan, quốc gia chịu tác động nặng nề của đại dịch, đã lên kế hoạch để các trường học mở cửa trở lại an toàn. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này mua thêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi. Bộ Giáo dục và Bộ Y tế nước này đã nhất trí về một bộ quy định và hướng dẫn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại các trường học, theo đó, các trường học cũng sẽ phải đảm bảo ít nhất 85% học sinh và nhân viên được tiêm chủng trước khi được phép mở cửa lại. Ở những khu vực có tốc độ lây truyền và các ca bệnh đặc biệt cao, số lượng học sinh trong lớp học sẽ được giới hạn ở mức 25 học sinh, đồng thời nhân viên và học sinh sẽ được xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm kháng nguyên (ATK). Ngoài ra, các trường học cần lập khu vực cách ly để ngăn chặn lây lan nếu phát hiện ra các ca nhiễm bệnh.

Sau gần một năm rưỡi phải học trực tuyến do dịch COVID-19, hiện ưu tiên hàng đầu của chính phủ Indonesia cũng là đưa học sinh quay lại học trực tiếp tại trường. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chính phủ Indonesia tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh. Indonesia đã cấp giấy phép tiêm chủng cho học sinh từ 12 - 17 tuổi từ đầu tháng 7 và đang thúc đẩy chương trình này tại nhiều khu vực.

Malaysia cũng sẽ thực hiện cơ chế đến trường luân phiên theo tuần đối với học sinh tiểu học và trung học từ ngày 3/10 tới. Cụ thể, chỉ có 50% tổng số học sinh có thể đến trường, mỗi lớp học được chia thành hai nhóm - một đến trường và một học trực tuyến. Sau một tuần, hai nhóm này sẽ luân chuyển cho đến khi kết thúc học kỳ. Những học sinh học tại nhà sẽ được thông báo các chủ đề cần học và các tài liệu hỗ trợ có sẵn trên YouTube và trên kênh truyền hình DidikTV.

Với mục tiêu mở cửa trở lại trường học từ tháng 11 tới sau 2 tháng học trực tuyến từ xa, Cuba cũng trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng đại trà cho trẻ em khi Bộ Y tế nước này công bố kế hoạch tiến hành tiêm chủng mũi đầu – trong liệu trình 3 mũi – cho toàn bộ trẻ em, thanh thiếu niên từ 2 - 18 tuổi trên cả nước ngay trong tháng 9 bằng các vaccine nội địa Soberana 2 và Abdala…

Bảo đảm môi trường an toàn nhất cho học sinh được quay trở lại trường học. (Ảnh: UNICEF)

Bảo đảm môi trường an toàn nhất cho trẻ

Có thể thấy rằng, kể từ tháng 9 năm nay, hàng loạt trường học trên toàn cầu đã mở cửa trở lại, đón học sinh tựu trường sau thời gian dài đóng cửa vì đại dịch. Nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, an toàn nhất để có thể sớm đưa học sinh trở lại trường. Mở cửa trường học an toàn đang là ưu tiên hàng đầu ở nhiều nước khi tìm cách “sống chung an toàn với COVID-19”. Tuy nhiên, việc mở cửa lại trường học cần tuân thủ công tác phòng, chống dịch COVID-19 chung của ngành y tế địa phương nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ nhân viên, giáo viên và gia đình.

Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi mở cửa lại trường học, việc giáo viên, cán bộ, nhân viên ở các trường học được tiêm vaccine ngừa COVID-19 là một trong những yếu tố tiên quyết. Điều này được ví như “chìa khóa” quan trọng để việc mở cửa trở lại trường học được bền vững, không bị gián đoạn. Đây cũng đồng thời là khuyến nghị mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra đối với các trường học ở châu Á và châu Âu, theo đó cần đưa giáo viên, nhân viên nhà trường vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ngoài việc ưu tiêm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho giáo viên, cán bộ và nhân viên ở trường học, tiêm chủng cho trẻ em cũng đang được nhiều nước đẩy mạnh như một trong những biện pháp chủ chốt giúp tạo ra môi trường học đường an toàn trong đại dịch. Biện pháp này được đưa ra khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có xu hướng tấn công trẻ em nhiều hơn so với chủng virus gốc lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc).

Bên cạnh việc tiêm chủng, thực tế từ các quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng nhiều biện pháp khác để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong trường học nhằm tạo ra những “phòng tuyến” bảo vệ trẻ em ở trường. Có thể kể đến tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện trường học, trong đó cần thông gió tốt hơn, chia nhỏ lớp học, thực hiện giãn cách xã hội, cũng như xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cho trẻ em và giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường. Các trường học cũng quan tâm nhiều hơn đến công tác vệ sinh và tiến hành khử khuẩn trang thiết bị, học cụ nhiều lần mỗi ngày. Và đặc biệt, các trường học cần lập kế hoạch từ trước và xác định những biện pháp cần bổ sung nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên khi quay trở lại.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cũng đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi; rà soát gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vaccine cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cần nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”...

Sau gần hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng. Cộng đồng quốc tế đã thừa nhận không thể khống chế tuyệt đối COVID-19 mà phải tìm cách ứng phó phù hợp. Các nước đang trong giai đoạn điều chỉnh biện pháp chống dịch để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19. Là một phần trong nhiều hành động nhằm dần mở cửa trở lại đất nước, cùng với mở cửa các nhà máy, phương tiện công cộng, cơ sở kinh doanh,…, việc mở cửa lại trường học đóng vai trò quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Chắc chắn rằng việc đi học trở lại sẽ không thể giống như những gì đã quen thuộc từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhưng hy vọng rằng với cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều sẵn có tâm lý thích ứng, thái độ cẩn trọng và quyết tâm học tập để cùng nhau trở lại trường. Và trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, các chính quyền địa phương cũng sẽ cần linh hoạt và sẵn sàng thích ứng để bảo đảm an toàn cho mọi trẻ em./.

 
Khánh Linh
421 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 790
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 790
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87127493