Trong cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Trung Quốc cùng vượt qua những bất đồng để hướng tới một tương lai tốt đẹp. Đây được xem là phản ứng chính thức của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên quan tới câu hỏi của phóng viên trước việc trong bản Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ D.Trump đã gọi Nga và Trung Quốc là các đối thủ thách thức lợi ích, kinh tế và giá trị của Mỹ.
Theo quan điểm của bà Hoa Xuân Oánh, những lợi ích chung của Mỹ và Trung Quốc đang nhiều hơn bất đồng. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ tư duy “chiến tranh Lạnh” vốn đã lỗi thời để cùng hợp tác, giải quyết bất đồng cũng như bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ và ổn định trong mối quan hệ giữa hai cường quốc.
“Lịch sử và thực tế đều chứng minh rằng hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả Mỹ và Trung Quốc” – bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ.
Thông điệp Liên bang của Tổng thống D.Trump có đề cập tới việc kêu gọi xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân trong một phần nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quốc phòng của Mỹ. Liên quan tới vấn đề này, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, với vai trò là một cường quốc lớn nhất về vũ khí hạt nhân, Mỹ gánh vác một trách nhiệm “đặc biệt và ưu tiên” trong những nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, trái với những lập trường mềm mỏng của bà Hoa Xuân Oánh, báo chí Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ trước bản Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ.
Tờ Global Times tập trung phân tích vào kế hoạch tăng cường chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng của ông D.Trump và cảnh báo hậu quả tiêu cực của động thái này đối với trật tự thế giới. Bên cạnh đó, tờ báo này cũng chỉ trích chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, tờ People’s Daily lại đề cập tới lời kêu gọi của ông D.Trump về các mối quan hệ thương mại bình đẳng và có tính chất “qua lại”, đồng thời kêu gọi Nhà Trắng cần ưu tiên xem xét lại các chính sách về thương mại hơn là gán trách nhiệm về thâm hụt thương mại và cắt giảm việc làm cho những nước khác.
Phản ứng trước bản thông điệp của Tổng thống D.Trump, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev đã chỉ trích Mỹ đang theo đuổi mục tiêu thống trị thế giới. Theo quan điểm của ông Kosachev thì việc Mỹ liệt Nga và Trung Quốc ngang hàng với các phần tử khủng bố là điều “không thể dung thứ” và ông D.Trump không thể bắt hai nước này phải “giơ đầu chịu báng” cho những vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt.
Ngoài các vấn đề liên quan tới mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, những lời bình luận mạnh mẽ của ông D.Trump về vấn đề Triều Tiên cũng đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là từ các nước Đông Bắc Á.
Những nhận định ông D.Trump về khả năng Triều Tiên sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đe dọa lục địa Mỹ trong một khoảng thời gian “rất sớm” và bình luận của Tổng thống Mỹ về một đối tượng đào ngũ người Triều Tiên là hai nội dung được đề cập tới trong các hàng tít chính được các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đăng tải.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, những thông điệp cứng rắn của ông D.Trump có thể sẽ khác biệt so với mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc vốn đang theo đuổi một mục tiêu hòa giải và mở rộng cơ hội đối thoại về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trên tờ The Korea Herald, nhà nghiên cứu Cha Du Hyeogn thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan cho rằng, những tuyên bố của ông D.Trump sẽ khiến các vòng đối thoại về giải trừ vũ khí hạt nhân trở nên khó khăn và thậm chí là “không nên đặt hy vọng” vào các sự kiện này.
Trong khi đó, dư luận Nhật Bản lại đưa ra những nhận định lạc quan hơn so với Hàn Quốc liên quan tới lập trường về Triều Tiên trong bản Thông điệp Liên bang của ông D.Trump. Tờ The Straits Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản Natsuko Sakata đánh giá cao thông điệp mạnh mẽ của Tổng thống D.Trump về tính chất cần thiết của việc duy trì sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Phát ngôn viên trên khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì các hình thức cộng tác song phương với Mỹ, đa phương với Mỹ và Hàn Quốc, cũng như hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Nga và các nước liên quan khác để gia tăng sức ép tối đa lên Triều Tiên.
Tại Ấn Độ, dư luận không tập trung vào thông điệp của ông D.Trump về vấn đề Triều Tiên mà lại chú trọng vào những chính sách về nhập cư của Mỹ.
Tờ Thời báo Ấn Độ (Times India) có bài viết đánh giá, một hệ thống nhập cư dựa trên năng lực sẽ mang lại lợi ích cho những công nhân có kỹ năng cao của Ấn Độ. Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng, thông điệp của ông D.Trump mang cả khía cạnh tốt và xấu bởi đã đề cập tới việc chấm dứt hiện tượng nhập cư theo chuỗi hay việc những thành viên nhập cư sang một nước khác theo diện “gia đình mở rộng”.
Tại nước có tỷ lệ người Hồi giáo chiếm đa số là Malaysia, dư luận lại quan tâm tới thông điệp của ông D.Trump về cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria cũng như việc nhà tù quân sự ở vịnh Guantanamo (một trung tâm giam giữ các nghi phạm khủng bố đa phần là người Hồi giáo) sẽ tiếp tục được vận hành.
Bản Thông điệp Liên bang của Tổng thống D.Trump năm nay có chủ đề "Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”. Với thời lượng hơn 80 phút, bản thông điệp đầu tiên của ông D.Trump được đánh giá là bản thông điệp dài thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Theo số liệu thống kê, có khoảng 40 triệu khán giả Mỹ đã xem ông D.Trump trình bày bản Thông điệp Liên bang trên sóng truyền hình./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)