Dư luận thế giới kỳ vọng vào lãnh đạo mới của Việt Nam 

(ĐCSVN) – Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết đánh giá về việc Việt Nam kiện toàn nhiều chức danh chủ chốt. Các bài viết tin tưởng rằng, tiếp nối những thành công đã đạt được, ban lãnh đạo mới sẽ mang lại những thành tựu phát triển cho Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế của đất nước trên trường thế giới.
Dư luận thế giới kỳ vọng vào lãnh đạo mới của Việt Nam

Trang mạng của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế S.Rajaratnam Singapore (RSIS) đã đăng bài viết thể hiện rõ sự tin tưởng rằng, dưới vai trò dẫn dắt của ban lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển đất nước.

Mở đầu bài viết, tác giả Yang Razali Kassim – một chuyên gia có thâm niên tại RSIS tin tưởng rằng, ban lãnh đạo mới của Việt Nam là sự kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm và mới mẻ. Đây là “công thức phù hợp” để dẫn dắt Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Bài viết cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giám sát việc tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng – mà thực tế chứng minh đã mang lại nhiều thành công. Trong khi đó, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc sẽ tận dụng kinh nghiệm của mình trên cương vị Thủ tướng để mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước khác.

Cũng theo bài viết, tính cách quyết đoán của Thủ tướng Phạm Minh Chính là yếu tố cần thiết để trở thành người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, giúp thực hiện mục tiêu quan trọng hàng đầu của đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là chỉ đạo và điều hành đất nước hướng tới mục tiêu kép: Đẩy lùi và ngăn chặn đại dịch trong khi duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo nhận định của tác giả bài viết thì dưới sự điều hành của ban lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối đối ngoại “mở cửa, đa phương hóa và đa dạng hóa”. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, do đó tạo ra động lực mới cho sự phục hồi kinh tế của quốc gia. Việt Nam đã thiết lập một mạng lưới gồm 17 FTA và khuôn khổ hợp tác kinh tế với các khu vực kinh tế hàng đầu thế giới.

Bước tiến ngoại giao của Việt Nam sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu sau khi Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Những đóng góp tích cực, trách nhiệm trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã và đang nâng cao tiếng nói của Việt Nam trên trường thế giới. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị đang có nhiều thay đổi.

Kênh tin tức CNA (Singapore) đưa tin về lễ nhậm chức của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trong bài viết về việc đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, tờ Aljazeera (thuộc sở hữu của Chính phủ Qatar) ca ngợi đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là người đứng sau thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Trong nhiệm kỳ 5 năm đồng chí Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc, trong khi cách thức ứng phó với đại dịch của Chính phủ cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ dư luận trong và ngoài nước.

Bài viết trên tờ Aljazeera dẫn nhận định của ông Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia chính trị tại Đại học Wellington, Victoria (New Zealand) cho rằng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn xứng đáng và phù hợp với chức danh Chủ tịch nước vì những thành tựu về kinh tế cũng như thành tựu ứng phó dịch COVID-19. Cũng theo chuyên gia này, kinh nghiệm của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trong "xử lý tốt mối quan hệ với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump" sẽ giúp ông đảm nhiệm tốt các vấn đề đối ngoại trên cương vị Chủ tịch nước.

Đánh giá cao việc Việt Nam kiện toàn bộ máy lãnh đạo, hãng thông tấn Anadolu (AA) của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin về sự kiện đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và đồng chí Nguyễn Minh Chính trở thành Thủ tướng mới của Việt Nam.

Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá, vai trò dẫn dắt của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ Thủ tướng 5 năm qua đã mang lại cho Việt Nam nhiều thành tựu, trong đó GDP tăng 1,4 lần so với năm 2015; kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 6%. Năm 2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9% bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng tăng 10 bậc về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, lên thứ hạng thứ 67 trong tổng số 141 quốc gia theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa tin, Quốc hội Việt Nam ngày 5/4 đã bầu nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, tiếp tục là một trong những lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Nhân dịp này, hãng truyền thông Mỹ đã điểm lại những thành tựu của Việt Nam trong 5 năm qua dưới vai trò lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng.

Theo nhận định của tờ Bloomberg, dưới vai trò là người đứng đầu, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã vận hành các đòn bầy của chính phủ thông qua chính sách và phân bổ ngân quỹ. Trong 5 năm qua, nền kinh tế tăng trưởng nhanh 7,08% vào năm 2018; đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất khoảng 30 tỷ USD, tăng 44% vào năm 2017 – khi Việt Nam bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động chuyển đổi chuỗi cung ứng của “ông lớn toàn cầu” như Apple Inc. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong kiềm chế đại dịch COVID-19.

Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế cũng đồng loạt đưa tin Quốc hội Việt Nam bầu đồng chí Phạm Minh Chính làm tân Thủ tướng với 96,25% phiếu bầu. Trước đó, báo chí quốc tế cũng đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam cũng nhất trí bầu đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Báo Nikkei Asia Review của Nhật Bản dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), cho rằng ưu tiên trước mắt của Thủ tướng Phạm Minh Chính là "đẩy lùi đại dịch COVID-19, thúc đẩy đà phục hồi kinh tế của Việt Nam". Về dài hạn, Việt Nam sẽ tập trung vào việc thực thi các thỏa thuận tự do thương mại song phương và đa phương đã ký kết./.

 
Thu Lan (theo báo chí nước ngoài)
144 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 702
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 703
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86336175