Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi trình Quốc hội lần này đã được rút gọn xuống còn 8 chương với 82 điều. Lấy du khách làm trọng tâm, khẳng định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, dự thảo đã chuyển tải được một số nội dung, quan điểm rất tiến bộ và đúng đắn Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Luật Du lịch (sửa đổi) cũng có bước sửa đổi rất quan trọng là loại bỏ sự phân biệt khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa. Khách du lịch đến Việt Nam và ra nước ngoài đều được đối xử bình đẳng, được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Nâng cao vai trò của hoạt động bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, Luật Du lịch (sửa đổi) đã đưa quy định về giải quyết kiến nghị của khách du lịch từ Chương X Luật Du lịch 2005 lên Chương II, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận, xử lý kiến nghị của khách du lịch, đảm bảo tính khả thi.

Đa số đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu và cho rằng, điểm tiến bộ của dự thảo Luật này là coi du lịch là một ngành kinh tế hoạt động theo kinh tế thị trường. Dự thảo được thiết kế theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch phát triển; quy định trách nhiệm cụ thể hơn đối với từng bộ, ngành, địa phương, phân cấp phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong quản lý Nhà nước về du lịch. Góp ý dự thảo luật, đồng tình với phương án quy định việc đăng ký cơ sở lưu trú cần thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện từ 1 đến 5 sao và có thẩm định lại sau 5 năm, nhiều đại biểu cho rằng: Quy định như vậy để đánh giá tốt hơn các khu du lịch, giúp các khu du lịch cố gắng đạt chuẩn để thu hút du khách. Đồng thời, giúp du khách có thêm thông tin tham khảo khi lựa chọn các điểm lưu trú mà mình chưa từng tới. Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) cho rằng, trong dự thảo luật cần hướng đến mục tiêu tạo nên hệ thống pháp luật về lưu trú du lịch đầy đủ, trình tự thủ tục, hồ sơ đơn giản, minh bạch, bảo đảm cho việc xếp hạng các cơ sở lưu trú, gia tăng giá trị dịch vụ du lịch, không gây phiền phức, mất công bằng cũng như phát sinh các tiêu cực.

Đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh)
 

Tuy nhiên, một số đại biểu lo ngại, nếu áp dụng nguyên tắc tự nguyện sẽ dễ dẫn đến tiêu cực như: chạy sao đối với cơ sở lưu trú để tăng tiền dịch vụ, gây thiệt hại cho khách du lịch và ảnh hưởng tới thương hiệu du lịch quốc gia. Các đại biểu đề nghị cần quy định việc đăng ký cơ sở lưu trú thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc. Theo đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) quy định như vậy sẽ minh bạch, áp dụng tiêu chuẩn chung cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, tránh tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch.

Đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng: Dự thảo luật đã tiếp thu rất nhiều nội dung cụ thể và rõ ràng hơn so với dự thảo luật Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 2, đặc biệt đã có nhiều cố gắng trong cụ thể hóa các chính sách phát triển du lịch theo tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiến bộ của dự thảo lần này là coi du lịch là một ngành kinh tế và hoạt động theo quy luật kinh thế thị trường. Dự thảo đã tiết chế theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện cho khởi nghiệp du lịch và doanh nghiệp du lịch phát triển, quy định trách nhiệm cụ thể hơn đối với từng ngành, địa phương. Phân cấp, phân quyền cho địa phương để quản lý về du lịch. Tuy nhiên, cần thể chế hóa thêm quy định đã nêu trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về thành lập quỹ phát triển du lịch và có cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ phát triển du lịch, ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu, hàng năm được bổ sung từ nguồn thu tài chính, thị thực nhập cảnh, phí tham quan du lịch, đóng góp của doanh nghiệp, khách du lịch và các nguồn thu hợp pháp khác.

Về đô thị du lịch, Dự án Luật đưa ra 2 phương án: Một là không quy định về nội dung đô thị du lịch; 2 là quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch.

Đồng tình với phương án 1, một số đại biểu cho rằng, nếu chỉ cần danh hiệu thì không cần thiết quy định đô thị du lịch vào trong luật mà có thể giao cho Hiệp hội du lịch tôn vinh các địa phương để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, theo các đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh); Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), nên quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch theo phương án 2 của Dự thảo Luật, nhưng cần làm rõ các nội dung về đô thị du lịch, trách nhiệm quản lý của chính quyền và chính sách riêng cho đô thị du lịch, đặc biệt chính sách riêng về kết cấu hạ tầng dịch vụ. Đại biểu Trần thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) phân tích: "Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể du lịch đến 2020 tầm nhìn đến 2030 đưa ra mục tiêu cụ thể về tổ chức lãnh thổ trong đó đã đưa ra 12 đô thị du lịch. Tuy nhiên, do không có các tiêu chí cụ thể, chưa có các cơ chế chính sách về quy hoạch đầu tư phát triển theo đúng nghĩa, nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Từ phân tích trên, theo tôi nên chọn phương án 2 quy định về đô thị du lịch. Về quy định đô thị du lịch đáp ứng yêu cầu thực tiễn  để chủ động trong quản lý và phát triển".

Góp ý dự án luật, các đại biểu tán thành với việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để quỹ này có hiệu quả, không xảy ra lãng phí, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý và điều hành để quỹ đạt hiệu quả. Ngoài ra, theo một số đại biểu, dự thảo mới chỉ quy định tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa mà chưa thấy hết được các hoạt động sản xuất kinh doanh, phương thức sản xuất đặc thù riêng có của Việt Nam cũng chính là một loại tài nguyên du lịch. Vì vậy, trong chính sách phát triển du lịch, cần bổ sung chính sách lồng ghép phát triển du lịch vào các hoạt động kinh tế; bổ sung hoạt động sản xuất kinh doanh là một loại tài nguyên du lịch.

Mạnh Hùng