Chỉ số USD đã tăng lên mức đỉnh mới trong 2 thập kỷ là 109,44 trong đầu phiên giao dịch này tại thị trường châu Á. Đồng bạc xanh mạnh lên đã đẩy các đồng tiền chủ chốt khác xuống mức thấp mới và gây áp lực lên các thị trường mới nổi.
Cụ thể, 1 USD đổi được 138,88 yen - mức cao nhất kể từ ngày 21/7. Trong khi đó, đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc ở thị trường nước ngoài cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm là 6,9321 NDT đổi 1 USD. Đồng bảng Anh cũng rơi xuống mức thấp nhất trong 2,5 năm là 1,1656 USD đổi 1 Bảng.
Động thái tăng giá của đồng USD diễn ra sau khi Chủ tịch FED cảnh báo các hộ gia đình và các doanh nghiệp “sẽ cảm nhận một số nỗi đau” vì FED sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát.
Trong bài phát biểu tại Jackson Hole ngày 26/8 vừa qua, ông Powell cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ cần chính sách thắt chặt tiền tệ "trong một thời gian nhất định" trước khi kiểm soát được lạm phát. Điều đó đồng nghĩa với việc lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và các điều kiện trên thị trường lao động suy yếu.
Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/8, tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7/2022 là 8,5%. Trước đó, tỷ lệ này nằm ở mức 9,1% vào tháng 6/2022, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981.
Các quan chức FED có khả năng sẽ cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5% - 0,75% vào cuộc họp tiếp theo từ ngày 20/9 đến 21/9.
Bà Carol Kong tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) cho hay, những lo ngại về việc Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ khiến đồng USD hay euro chịu thêm áp lực và xuống dưới mức tương đương.
Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Gazprom của Nga dự kiến sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua đường ống chính từ ngày 31/8 đến ngày 2/9 để bảo trì.
Trong khi đó, bất chấp khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có động thái tăng mạnh lãi suất tương tự tại cuộc họp tháng sau, đồng euro đang chật vật khi các nhà đầu tư tập trung hơn vào cuộc khủng hoảng năng lượng của khối./.
H.Hà (Theo Reuters, AFP)