Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 628.449 ca mắc và 9.601 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 35.567.275 ca nhiễm COVID-19, trong đó 628.432 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là: Mỹ (79.587 ca); Ấn Độ (44.673 ca); Brazil (41.853 ca); Iran (34.433 ca); Anh (31.117 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Indonesia (1.893 ca); Brazil (1.255 ca); Nga (799 ca); Ấn Độ (549 ca); Mexico (537 ca)…
Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 51.265.491 ca mắc COVID-19, trong đó 1.131.117 ca tử vong. Hết ngày 29/7, châu lục này ghi nhận đã có thêm 136.889 ca nhiễm mới và 1.085 ca tử vong vì COVID-19.
Tại Anh, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch của châu lục, Cơ quan Y tế Công cộng England (PHE) cho biết, chương trình tiêm chủng vaccine của Vương quốc Anh đã giúp ngăn chặn khoảng 60.000 ca tử vong và 22 triệu ca mắc COVID-19 tại nước này. Theo báo cáo giám sát chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của PHE, chương trình tiêm chủng cũng trực tiếp ngăn chặn hơn 52.600 ca nhập viện do COVID-19. Báo cáo này ước tính khoảng 95,5% dân số trưởng thành của Anh hiện có kháng thể với COVID-19 nhờ tiêm chủng.
Tại Italy, trước tình hình ngày càng gia tăng số ca mắc mới, nhập viện và tử vong do COVID-19, Tổ chức Nghiên cứu Y tế Gimbe Foundation mới đây cho biết, Italy đã bước sang làn sóng thứ 4 của đại dịch. Hiện, Chính phủ Italy vẫn đang nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer tới Italy vào giữa tháng 8 sẽ cho phép nước này hoàn thành chiến dịch tiêm chủng một cách an toàn trước ngày 30/9. Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cũng nhấn mạnh: “Hơn 65% người dân Italy đã được tiêm chủng mũi đầu tiên, và 57% đã tiêm 2 mũi. Đây là những con số giúp Italy đối mặt với mùa dịch này”. Tuy nhiên, ông Speranza cảnh báo vẫn cần phải đặc biệt thận trọng trước các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta.
Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 61.517.400 ca nhiễm và 887.459 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 267.554 ca mắc và 4.292 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á có 57.655.709 ca được điều trị khỏi; 2.974.232 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 33.126 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 29/7, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 44.673 ca mắc mới và 549 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 31.571.295 ca và 423.244 ca.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang lên kế hoạch đưa thêm 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo và Osaka vào danh sách các khu vực áp đặt tình trạng khẩn cấp do số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc tăng đột biến trong những ngày qua. Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin Chính phủ cho biết tình trạng khẩn cấp tại Osaka và 3 tỉnh gồm Saitama, Chiba và Kanagawa sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/8-31/8. Trong khi đó, tại Tokyo và Okinawa, lệnh tình trạng khẩn cấp, hết hạn vào ngày 22/8, sẽ tiếp tục được kéo dài đến hết ngày 31/8. Bộ Y tế Nhật Bản đưa tin, ngày 29/7, nước này ghi nhận 9.577 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca tử vong mới vì đại dịch. Riêng tại thủ đô Tokyo, nơi đang đăng cai Olympic 2020, nhà chức trách cho biết có thêm 3.865 ca mắc mới, cảnh báo hệ thống y tế thành phố đang dần trở nên quá tải.
Tính đến nay, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có tổng cộng 7.112.863 người mắc COVID-19, trong đó 141.911 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 92.786 ca mắc COVID-19 và 2.419 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong ngày 29/7, Đông Nam Á tiếp tục là nơi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trên thế giới, trong đó Indonesia hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 của khu vực cũng như toàn thế giới. Nước này tính đến nay ghi nhận có tổng cộng 3.331.206 ca mắc, trong đó 90.552 ca tử vong vì dịch bệnh.
Với 1.572.287 ca mắc COVID-19 và 27.577 ca tử vong, Philippines là nước chịu tác động lớn thứ hai của dịch COVID-19 ở Đông Nam Á, sau Indonesia. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh mở chương trình tiêm chủng cho mọi người dân muốn tiêm vaccine COVID-19 trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ngăn chặn các biến thể ca virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta, lây lan ra diện rộng.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế Thái Lan cho biết số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tại Thái Lan trong 24 giờ qua lại tăng mạnh, thiết lập các mốc mới. Cụ thể, nước này có thêm 17.669 ca mắc mới và 165 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Thái Lan đã có 561.030 ca nhiễm, trong đó 4.562 người không qua khỏi.
Phát biểu với báo giới, ông Somsak Akkasilp, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Y tế của Bộ Y tế Thái Lan thẳng thắn thừa nhận tình trạng không đủ giường bệnh tại các bệnh viện. Theo ông, tại các bệnh viện lớn, toàn bộ các khoa hồi sức tích cực đều quá tải. Hiện các bệnh viện ở thủ đô Bangkok chỉ có đủ năng lực tiếp nhận 1.000 bệnh nhân mới mỗi ngày, song thực tế, họ đã phải tiếp nhận tới 4.000 ca mắc mới riêng trong ngày 29/7. Không chỉ vậy, các cơ sở cách ly của thủ đô Bangkok cũng đang hết chỗ trống vì thế chính quyền phải làm việc với các bệnh viện tư nhân để có thể có thêm giường.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia ngày 29/7 ra thông cáo xác nhận có 765 ca mắc mới và 11 ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua, bao gồm 328 ca nhập cảnh và 337 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 75.917 ca mắc, trong đó 68.386 người đã khỏi bệnh và 1.350 người tử vong.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 6.680.395 ca nhiễm, trong đó 168.740 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nước này ghi nhận có 2.422.151 ca nhiễm COVID-19, trong đó 71.431 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia…/.