Động lực mới để phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam-Thái Lan 

Việt Nam và Thái Lan hợp tác chặt chẽ và luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong.
Động lực mới để phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam-Thái Lan

Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976 trên cơ sở bốn nguyên tắc được nêu trong Thông cáo chung nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Bhichai Rattakul tới Việt Nam.

Quan hệ hai nước có bước khởi đầu rất tốt đẹp sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới Thái Lan tháng 10/1978.

Đầu những năm 1990, vượt qua thử thách của một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, quan hệ hai nước nồng ấm trở lại. Hai bên đã nối lại các chuyến thăm cấp cao, trong đó phải kể đến sự kiện Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Thái Lan tháng 10/1993 và chuyến thăm của Thái tử Maha Vajiralongkorn (nay là Nhà Vua Rama X) tới Việt Nam tháng 11/1992.

Mái nhà chung Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp thêm động lực cho quan hệ song phương Việt Nam-Thái Lan mở rộng và phát triển mạnh mẽ sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức khu vực này vào ngày 28/7/1995. Sau thời điểm đó, quan hệ hai bên không ngừng được vun đắp, ngày càng tăng cường và củng cố về mọi mặt.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành đánh giá nhìn lại chặng đường qua, mặc dù trải qua những thăng trầm do biến động tại khu vực và mỗi nước, song quan hệ Việt Nam-Thái Lan vẫn luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, củng cố, ngày càng tin cậy và đến nay đã phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.

Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Thái Lan tháng 6/2013 và hiện có hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng 13 cặp tỉnh/thành kết nghĩa và đặt quan hệ hữu nghị.

Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh Thái Lan là quốc gia duy nhất mà Chính phủ Việt Nam có cơ chế họp nội các chung rất hiệu quả, với sự chủ trì của hai thủ tướng và tất cả các thành viên chính phủ hai nước tham dự. Các giá trị về văn hóa, đời sống xã hội của hai bên đang ngày càng thâm nhập, đan xen sâu sắc, tạo sự gắn kết bền chặt giữa nhân dân hai nước.

Việt Nam và Thái Lan hợp tác chặt chẽ và luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, có chung quan điểm trong việc thúc đẩy xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, phát huy tiếng nói trong các vấn đề chung của khu vực cũng như đang nỗ lực hợp tác để xây dựng một khu vực ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Thái Lan hiện là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ chín trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 12,3 tỷ USD và nhiều năm qua là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương giữa Việt Nam-Thái Lan đạt khoảng 17,5 tỷ USD trong năm 2019 và xấp xỉ 16 tỷ USD trong năm ngoái.

[Thủ tướng Thái Lan đề cao Quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam]

Trong sáu tháng đầu năm nay, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại song phương ước đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Hai bên đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 25 tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, theo Đại sứ Phan Chí Thành, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch… diễn ra sôi động, giao lưu nhân dân sâu đậm dựa trên sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về văn hóa, xã hội, ẩm thực. Với vị trí địa lý gần, đường bay thuận tiện, Thái Lan và Việt Nam nằm trong nhóm 12 thị trường du lịch hàng đầu của nhau. Lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đứng thứ 10 trong số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và đứng thứ tư trong nhóm các nước ASEAN.

Dong luc moi de phat trien toan dien quan he Viet Nam-Thai Lan hinh anh 2

                                                                     Người Việt Nam tại Thái Lan. (Ảnh: Đức Hải/Vietnam+)

Một điểm nhấn trong quan hệ đang ngày càng tốt đẹp giữa hai nước là sự phát triển không ngừng của cộng đồng người Việt tại Thái Lan, những người con xa xứ luôn hướng về cội nguồn và có nhiều đóng góp cho địa phương nơi sinh sống. Hơn 100.000 người Thái gốc Việt sinh sống ở Thái Lan là cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị hai nước.

Thái Lan cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Thái gốc Việt gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, mở các lớp học tiếng Việt, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng, duy tu các Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani và Nakhon Phanom.

"Đây là cộng đồng rất nhân văn, đáng trân trọng, hội nhập tốt vào sở tại, được Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thái Lan thừa nhận và ủng hộ. Quan hệ Việt Nam và Thái Lan ngày càng tốt đẹp đã tạo điều kiện cho kiều bào trên toàn Thái Lan an tâm, hòa nhập, ổn định cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội sở tại, đồng thời là cầu nối quan trọng gắn kết tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc," Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định.

Ngày nay đa số kiều bào đều có cuộc sống khá giả hoặc trung bình. Các thế hệ con cháu sau này đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội sở tại, trở thành những doanh nhân và trí thức thành đạt, nhiều người là bác sỹ, giáo sư, đặc biệt là gần đây khá nhiều người Thái gốc Việt được tín nhiệm bầu vào bộ máy chính quyền địa phương, tham gia tích cực vào đời sống chính trị sở tại.

Dong luc moi de phat trien toan dien quan he Viet Nam-Thai Lan hinh anh 3

                     Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hồi tháng Năm vừa qua, hai nhà lãnh đạo nhất trí trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, hai nước càng cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn; càng khó khăn càng phải hợp tác với nhau để cùng vượt qua khó khăn; hợp tác thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai nước.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo đã thống nhất tổ chức họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ tư vào thời gian phù hợp; sớm ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025.

Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày nay, quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan ngày càng sâu rộng, hiệu quả và thực chất, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và là nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.

Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia cũng như với tiềm năng phát triển của hai nước, quan hệ Việt Nam-Thái Lan sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới./.

Ngọc Quang-Hữu Kiên (TTXVN/Vietnam+)

 

652 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 914
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 914
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87207228