Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ địa phương tại Đà Nẵng,
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII,
Thưa các đồng chí dự Hội nghị,
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 11 để cho ý kiến chỉ đạo theo thẩm quyền về Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 03 chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về Nhà nước pháp quyền, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là hội nghị rất quan trọng khi chúng ta bàn, quyết định những nội dung liên quan trực tiếp đến sự phát triển mang tính chiến lược của tỉnh trong một giai đoạn lâu dài, gắn với cụ thể hóa các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi nhiệt liệt chào mừng và thân ái gửi tới các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc Hội nghị của chúng ta hoàn thành tốt chương trình đề ra!
Thưa toàn thể các đồng chí,
Để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan bám sát chương trình làm việc toàn khóa, chương trình làm việc năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chủ động tham mưu xây dựng các báo cáo, tờ trình để báo cáo, xin ý kiến các đồng chí tại Hội nghị này.
Tài liệu đã được gửi cho các đại biểu nghiên cứu trước. Trên cơ sở chương trình hội nghị, tôi xin nêu một số vấn đề có tính chất gợi mở để các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định:
1. Về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng quy hoạch tỉnh, với quan điểm cần phải xây dựng một bản quy hoạch tỉnh Quảng Trị có chất lượng, trong đó đưa ra được định hướng phát triển để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các lĩnh vực trọng tâm, đột phá, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Một bản quy hoạch tỉnh tốt sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong tương lai; là cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo BCS Đảng UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh; chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các đơn vị tư vấn khẩn trương nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cho chủ trương để UBND tỉnh mời Liên danh tư vấn Sakae - Surbana Jurong của Singapore, Tổ chức AVSE Global là những tổ chức quốc tế có uy tín tham gia tư vấn và phản biện quy hoạch; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các tỉnh liền kề, trong vùng, các ngành, địa phương trong tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến từ giai đoạn đầu kỳ đến giữa kỳ, cuối kỳ; chỉ đạo đạo cụ thể các nội dung liên quan đến định hướng phát triển của tỉnh và các nội dung cụ thể trong dự thảo đề án quy hoạch.
Để trình Hội nghị Tỉnh ủy hôm nay, trên cơ sở dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị (dày gần 1.000 trang chưa kể hệ thống các trang tài liệu, phụ lục), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch tỉnh (126 trang), được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phân tích, xây dựng dựa trên một hệ thống thông tin, dữ liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển, đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện.
Nội dung Báo cáo Quy hoạch tỉnh đã bám sát Quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, ngành lĩnh vực của quốc gia, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021- 2025”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện các định hướng phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Nội dung của dự thảo Quy hoạch tỉnh trình đã xác định định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và việc phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; tập trung nhận định, đánh giá tình hình phát triển và tổ chức không gian phát triển của tỉnh; các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo việc lập và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển kinh tế biển; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới của tỉnh; định hướng phát triển của các địa phương...
Việc xây dựng Quy hoạch đã quán triệt và cụ thể hóa quan điểm phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực. Trong nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường.
Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, tranh thủ ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá, đồng thời hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế (như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, …).
Thưc tiễn cho thấy, muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển. Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, và suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của địa phương.
Đây là việc chúng ta lần đầu triển khai thực hiện, là nhiệm vụ mới, rất quan trọng và nhiều khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của tỉnh một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển tỉnh; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của tỉnh.
Với yêu cầu đó, thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội nghị của chúng ta cần xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về định hướng quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện Đề án Quy hoạch trình HĐND tỉnh vào kỳ họp tới trước khi trình trước khi trình Hội đồng thẩm định Trung ương và cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Vì vậy, đề nghị các đồng chí cần tập trung nghiên cứu, thảo luận, đề xuất, góp ý sâu, kỹ các nội dung quy hoạch, nhất là quan điểm, định hướng, mục tiêu, các kịch bản, trụ cột phát triển, các hướng đột phá, các ngành trọng điểm phát triển...; cần tham gia sâu hơn quan điểm thực hiện quy hoạch, những động lực, đột phá trong tăng trưởng, lựa chọn thứ tự ưu tiên đột phá phát triển đã phù hợp chưa? Mặc dù quy hoạch các ngành, địa phương đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, nhưng đây là kỳ cuối, đề nghị các huyện, ngành tiếp tục tham gia cụ thể những vấn đề của ngành, địa phương để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch chung của tỉnh. Đề nghị các đồng chí tham gia thêm về định hướng các ngành ưu tiên phát triển và các vùng động lực phát triển, định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Soi chiếu các nhiệm vụ, mục tiêu đảm bảo các nội dung trong dự thảo Quy hoạch tỉnh bám sát định hướng của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 138, ngày 25/10/2022 của Chính phủ về quy hoạch tổng thể quốc gia; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh để hoàn thiện nội dung Báo cáo quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, quy định pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần thiết thực cho việc lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tỉnh trong thời gian đến.
2. Về Chương trình Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Cũng như các địa phương khác trong vùng, tỉnh Quảng Trị rất phấn khởi khi Bộ Chính trị quan tâm ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở, tiền đề cũng như tư tưởng, quan điểm chỉ đạo để tỉnh phát triển trong thời gian tới. Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, chuyển đổi số…, cùng với việc cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị sẽ giúp tỉnh soi rọi lại tiềm năng lợi thế, những chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từ đó tiếp tục nghiên cứu các Nghị quyết của Bộ Chính trị để đặt ra mục tiêu giải pháp phát triển phù hợp trong thời gian tới.
Một điều rất vui mừng là tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đã xác định nhiệm vụ: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế đông-tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế đông-tây”. Quảng Trị là tỉnh nằm ở cửa ngõ của hành lang kinh tế đông-tây (EWEC) về phía Việt Nam, theo các tiêu chí, Quảng Trị chúng ta có thể là một trong số các địa phương được xem xét cho thí điểm. Trên cơ sở nhận diện vị trí của tỉnh, dự thảo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26 xác định 6 quan điểm phát triển, trong đó phát huy ưu thế điểm đầu phía Việt Nam trên hành lang kinh tế Đông - Tây để xây dựng Quảng Trị thành trung tâm Logictics của Vùng, kết nối giao thương hàng hóa toàn Vùng ra khu vực, thế giới và ngược lại.
Dự thảo nêu rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu tỉnh Quảng Trị cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ mạnh về kinh tế cửa khẩu và kinh tế biển; là một trong những trung tâm năng lượng sạch của Vùng; đề xuất cơ chế tiếp nhận và khai thác hiệu quả các mỏ khí Báo Vàng, Kèn Bầu và có trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là điểm kết nối và là cửa ngõ ra biển của các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, dự thảo đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Lãnh đạo quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW; Tập trung hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội và tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị...
Đề nghị các đồng chí tham gia sâu hơn vào đánh giá tình hình, nhất là vị trí địa lý, tiềm năng, dư địa phát triển, chỉ rõ những nguyên nhân trọng tâm cản trở sự phát triển của tỉnh; vai trò, vị thế của tỉnh trong liên kết vùng; làm rõ thêm quan điểm phát triển; tham gia sâu nhóm mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể; các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá cho từng ngành, lĩnh vực, nhất là nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, mục tiêu phát triển kinh tế biên mậu; xem xét các chỉ tiêu, mục tiêu đảm bảo thống nhất, phù hợp với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030...; để hoàn chỉnh Chương trình hành động, góp phần đưa Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống.
3. Đối với Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết 27,28,29 của BCH Trung ương Đảng:
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành 03 nghị quyết gồm: Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, ngày 28/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành 3 kế hoạch (Kế hoạch số 11-KH/TW, số 12 -KH/TW và số 13-KH/TW) thực hiện 3 nghị quyết trên với các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể và lộ trình thực hiện.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng các dự thảo chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện các nghị quyết nêu trên; các đơn vị soạn thảo đã lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn chỉnh các chương trình hành động trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Tỉnh ủy.
Đề nghị các đồng chí tham gia đóng góp ý kiến thêm về bố cục, mục tiêu; đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đảm bảo chất lượng, sát thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
4. Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần này, Tỉnh ủy tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023. Tổ chức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân về thành tích trong công tác xây dựng Đảng năm 2022.
Kính thưa các đồng chí!
Hội nghị diễn ra trong 01 ngày, với những nội dung rất quan trọng liên quan đến việc thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và thời gian tiếp theo. Đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các đồng chí đại biểu tại hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đóng góp những ý kiến sâu sắc vào các vấn đề trọng tâm xin ý kiến và các vấn đề khác để kết thúc thành công Hội nghị ngày hôm nay, chúng ta sẽ có những định hướng, chủ trương, cơ chế, chính sách mới để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đặt ra với tỉnh Quảng Trị.
Trên tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn.