Viện Phúc lợi xã hội tổng hợp Narewul tại Thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi-do: Thành phố Hwaseong có dân số 760 ngàn người với tỷ lệ tăng dân số đứng thứ nhất toàn quốc. Viện được thành lập vào năm 2011, do Học viện IlSong quản lý; gồm 68 nhân viên, phân thành 8 nhóm phụ trách các dự án hỗ trợ người khuyết tật khác nhau như: quản lý trường hợp, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ điều hành… Viện cung cấp dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho người dân có thu nhập thấp thuộc 26 phường xã thị trấn, là cơ quan được cấp chứng nhận cấp 1 về môi trường sinh hoạt không rào cản cho người khuyết tật đầu tiên của Gyeonggi-do. Trung bình mỗi ngày có 2700 người dân đến sử dụng dịch vụ tại Viện.
Viện Phúc lợi người khuyết tật Gwacheon được thành lập năm 2011, là một trong những viện phúc lợi xã hội tư nhân do Quỹ Purme/HQ trực tiếp quản lý. Đây là Viện phúc lợi có tỷ lệ người cao tuổi (trên 70 tuổi) sử dụng dịch vụ cao nhất. Các dự án chính đang triển khai bao gồm: quản lý trường hợp tư vấn, hỗ trợ tăng cường chức năng cơ thể, hỗ trợ nghề nghiệp, phúc lợi văn hoá gia đình, phúc lợi tại nhà, kết nối cộng đồng.
Viện Phúc lợi xã hội Seoul
Viện Phúc lợi xã hội Seoul được thành lập năm 1982, là Viện phúc lợi xã hội đầu tiên và lớn nhất tại Hàn Quốc và cũng do Quỹ Purme trực tiếp quản lý. Số người sử dụng dịch vụ bình quân mỗi ngày là 1742. Đây là Viện Phúc lợi xã hội thực hiện quản lý lồng ghép, phục hồi chức năng toàn diện cho người khuyết tật: thiết lập hệ thống đánh giá và chẩn đoán đánh giá đa ngành, phát hiện sớm và giáo dục đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo khuyết tật, xưởng hướng nghiệp và bảo hộ cho người khuyết tật làm việc, bồi dưỡng nhân lực và đào tạo chuyên gia phục hồi chức năng, xuất bản sách và các công cụ chẩn đoán, phục hồi chức năng cộng đồng.
Viện Phúc lợi xã hội Jong-no được thành lập năm 2012 với tôn chỉ trở thành Viện Phúc lợi lấy con người và cộng đồng làm trung tâm. Đây cũng là một trong những Viện Phúc lợi xã hội do Quỹ Purme/HQ trực tiếp quản lý, có số người sử dụng dịch vụ bình quân mỗi ngày là 406 người, trong đó chủ yếu là người khuyết tật trong độ tuổi từ 20-29 tuổi. Hiện Viện Phúc lợi xã hội Jong-no có 5 dự án chính: hỗ trợ văn hoá gia đình, hỗ trợ giáo dục trọn đời, hỗ trợ nghề nghiệp, kết nối cộng đồng, kế hoạch truyền thông.
Làm việc với Ban lãnh đạo các Viện Phúc lợi xã hội này, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo cũng như đón tiếp đoàn công tác nhiệt tình của các Viện, đây là cơ hội giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban ngành liên quan của Quảng Trị được quan sát, lắng nghe, học hỏi và trao đổi trực tiếp để nắm rõ hơn các thành tựu, kinh nghiệm quý giá của nước bạn về phương thức đầu tư, quản lý và vận hành các cơ sở phúc lợi xã hội hướng đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Đồng chí đánh giá cao các thông tin do bạn chia sẻ và khẳng định Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng có chủ trương, chính sách quan tâm, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng đề án Trung tâm Phúc lợi xã hội Phục hồi chức năng tỉnh nhằm kêu gọi vốn đầu tư ODA không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc. Về phía tỉnh, dự án này đã và đang được đầu tư trên 80 tỷ đồng tại Khu du lịch biển Cửa Việt. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn và đề nghị các Viện Phúc lợi xã hội Hàn Quốc sẽ hợp tác, hỗ trợ tỉnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và kỹ thuật viên của Trung tâm khi dự án này chính thức được Chính phủ 2 nước phê duyệt đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc. Phương Dung