Sau khi nghe báo cáo của ngành Công Thương Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thông tin thêm về những kết quả đạt được của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, EVN hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành đàm phán các hợp đồng BOT đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện than Quảng Trị 1 nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời đã trình để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo (hiện đã trình Bộ 49 dự án điện gió, 14 dự án điện mặt trời). Trạm biến áp 500kV Quảng Trị (Hải Lăng) hiện đang được Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia triển khai đầu tư, đề nghị Bộ Công Thương, EVN quan tâm có giải pháp thiết kế TBA phù hợp với việc vừa giải tỏa công suất các Nhà máy nhiệt điện vừa giải tỏa hết công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Đề nghị chỉ đạo sớm triển khai xây dựng công trình, hoàn thành đưa vào vận hành TBA 500kV Quảng Trị (Hải Lăng) vào năm 2021 đáp ứng nhu cầu truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Dự án Đường dây 220kV Lao Bảo - TBA 500kV Quảng Trị vào Quy hoạch điện VII; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án đưa vào vận hành năm 2021, đồng bộ với nhu cầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Để khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng năng lượng điện gió các khu vực miền Tây Quảng Trị giúp Quảng Trị phát triển, trong Tổng sơ đồ điện VIII, giai đoạn từ năm 2021-2025 đề nghị Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch và đầu tư Dự án đường dây và TBA500kV Quảng Trị - Hướng Hóa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu xây dựng mô hình Khu kinh tế xuyên biên giới chung trên biên giới Việt Nam - Lào với các cơ chế, ưu đãi cao nhất theo pháp luật của mỗi nước. Đề nghị Bộ Công Thương quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư đến Quảng Trị nghiên cứu, đầu tư các dự án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị tìm kiếm thị trường cho một số sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản; ủng hộ và giúp đỡ tỉnh về xây dựng, thực hiện Đề án Festival “Vì Hòa bình”, phát triển du lịch về nguồn, du lịch biển đảo...
Tại buổi làm việc, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương khảo sát, đánh giá năng lực sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong khu vực để xây dựng chương trình và hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Trên cơ sở đó, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng tốt lợi thế, lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Đề nghị Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp giai đoạn sau 2020 do ngân sách Trung ương đảm bảo để hỗ trợ các địa phương, nhất là các địa phương khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng cụm như Quảng Trị để hỗ trợ thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới theo quy định tại khoản 4, Điều 35, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ. Với nhận định chính sách thuế đối với xuất khẩu gỗ dăm tương đối thấp (2%) nên không khuyến khích được các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét chính sách thuế đối với xuất khẩu gỗ dăm để đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương vui mừng trước những kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị, ấn tượng về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp-thương mại và thu hút đầu tư trên lĩnh vực năng lượng của tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua. Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm tiếp cận của tỉnh trong phát triển ngành công nghiệp này, trong đó có chủ trương tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung, chú trọng về năng lượng tái tạo, điện khí dựa trên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng của tỉnh và hiệu quả quy mô công suất của các dự án đã và đang thực hiện; đã tạo điều kiện tốt nhất, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư dự án. Về một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thẩm định những dự án đã trình Bộ Công Thương, Bộ trưởng lưu ý các dự án về năng lượng cần tiếp tục tập trung hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định; cần phải đáp ứng được những điều kiện về năng lực nhà đầu tư, về đấu nối, giải toả công suất, tiến độ giải phóng mặt bằng… Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát từng dự án cụ thể, ưu tiên các dự án có tính khả thi, hiệu quả cao để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ và ngành Điện lực quan tâm xem xét, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc cụ thể của từng dự án năng lượng mà tỉnh đã kiến nghị, nhất là trong đẩy nhanh các dự án nhằm giải tỏa công suất, tiếp tục phê duyệt các dự án điện ưu tiên, tuy nhiên cũng sẽ nằm trong tầm kiểm soát công suất. Chỉ đạo các đơn vị giải quyết các vấn đề liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án Kho cảng xăng dầu Hải Hà, Kho cảng Xăng dầu Việt-Lào sớm hoàn thành các thủ tục thuộc thẩm quyền của Bộ.
Về kiến nghị xây dựng mô hình Khu kinh tế xuyên biên giới chung trên biên giới Việt Nam - Lào, Bộ trưởng nhất trí và sẽ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án này. Liên quan đến vấn đề tìm kiếm thị trường cho một số mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định đây là khó khăn chung của nhiều địa phương; do đó, Bộ trưởng lưu ý quan trọng nhất phải thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất, sản phẩm đạt quy chuẩn chất lượng xuất khẩu, gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm; chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường các nước… Về các kiến nghị, đề xuất khác, Bộ trưởng Bộ Công Thương ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu, có hướng xử lý trong thời gian sớm nhất trên tinh thần hỗ trợ cho sự phát triển của ngành Công Thương Quảng Trị.
Trước đó, trong khuôn khổ công tác lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các thành viên trong đoàn công tác đã có chuyến khảo sát tại Trạm Biến áp 220kV Đông Hà, Truyền tải điện Quảng Trị và viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Thái Minh