Đây là dự án mở rộng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc nối Nga và Đức chạy dưới đáy biển Baltic mà không cần trung chuyển qua Ukraine, Belarus, Ba Lan, các nước Baltic và Đông Âu.
Đường ống này sẽ đi theo lộ trình của Dòng chảy Phương Bắc và qua các khu kinh tế đặc biệt và vùng biển của năm nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Thời gian qua, dự án được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây trừng phạt. Một số quốc gia cũng “không hài lòng” với dự án này, trong đó có Ukraine, do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga. Trong khi đó, Mỹ cũng đang có kế hoạch đầy tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu để thay thế Nga chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm Nga hồi cuối tháng 10/2017, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin cùng tuyên bố sẽ cùng nỗ lực phát triển quan hệ song phương. Tổng thống Putin cho biết cho dù đang đối mặt với những khó khăn chính trị, song quan hệ Nga-Đức không "giậm chân tại chỗ" và hai bên nhất trí sẵn sàng cùng nhau phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.
Đáng chú ý, trong cuộc điện đàm ngày 17/4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thành dự án như đã thỏa thuận.
Mới đây, ngày 3/5, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin công việc chuẩn bị xây dựng trạm tiếp nhận đường ống dẫn khí đốt mới Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream) 2 đã được bắt đầu tại thành phố Lubmin thuộc bang Merklenburg-Vorpommern, miền Đông Bắc nước Đức.
Trước đó, ngày 27/3, Cơ quan Thủy văn và Hàng hải liên bang Đức (BSH) cũng đã chấp thuận cấp giấy phép xây dựng và khởi công dự án này sau khi tiến hành điều tra những ảnh hưởng của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đối với thương mại và môi trường ở Đức.
Việc Đức chính thức khai thông dự án quan trọng này cho thấy quan hệ kinh tế Nga-Đức vẫn tiến triển mạnh mẽ bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào Nga.
Trong một diễn biến lien quan, theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức công bố ngày 5/3 cho thấy ngoại thương của Đức với Nga đã đạt tăng trưởng trở lại lần đầu tiên trong năm 2017 sau 4 năm thuyên giảm.
Theo đó, trong năm 2017, Đức xuất khẩu số hàng hóa trị giá 25,9 tỷ euro (tương đương 32 tỷ USD) sang Nga, trong khi nhập khẩu số hàng hóa trị giá gần 32 tỷ euro từ Nga.
Nga là một trong số nền kinh tế mà Đức có thâm hụt thương mại. Trong năm 2017, thâm hụt thương mại của Đức với Nga đã tăng lên 5,6 tỷ euro.
Nếu tính kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, trong đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức khoảng 50% so với con số thiệt hại của EU.
Tính tới tháng 9/2017, nền kinh tế EU thiệt hại trên 100 tỷ USD, trong khi tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Nga ở mức khoảng 55 tỷ USD.
Tuyết Minh