Đây là cuộc họp thường niên trong khuôn khổ quan hệ đối thoại ASEAN-Canada để thảo luận và định hướng hợp tác ASEAN-Canada, trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Canada vào tháng 8 sắp tới.
Trợ lý Ngoại trưởng, Trưởng SOM Canada, Paul Thoppil nhấn mạnh ASEAN là đối tác chủ chốt của Canada, nhất quán coi trọng quan hệ với ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Canada, mong muốn nâng tầm quan hệ với ASEAN và tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN chủ trì như Cấp cao Đông Á (EAS).
Canada khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và cam kết hợp tác chặt chẽ với ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình và phát triển thịnh vượng. Nhân dịp này, Canada đề xuất tổ chức Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-Canada trong năm 2022.
Canada khẳng định tiếp tục là người bạn và đối tác tin cậy, hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực ứng phó dịch bệnh. Đến nay Canada đã dành 1,3 tỷ đô la Canada (CAD) cho các nỗ lực phòng chống dịch bệnh trên thế giới, trong đó đóng góp 545 triệu CAD cho cơ chế COVAX để mua, cung ứng và phân phối vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình.
Cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Canada thời gian qua, ASEAN đánh giá cao Canada cam kết đóng góp 3,5 triệu CAD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 trong 5 năm tới, đề nghị Canada ủng hộ Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực của ASEAN, hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể và bảo đảm tiếp cận vaccine an toàn, hiệu quả và đồng đều.
Các nước ASEAN và Canada nhất trí phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, ưu tiên khởi động đàm phán xây dựng Khu vực mậu dịch tự do (FTA) ASEAN-Canada trong năm 2021, tiếp tục các chương trình hợp tác giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như Chương trình học bổng trao đổi phát triển giáo dục ASEAN-Canada (SEED), đồng thời tăng cường hợp tác phát triển bền vững và ứng dụng các thành quả đổi mới sáng tạo.
|
Các đại biểu dự Đối thoại trực tuyến ASEAN-Canada lần thứ 18. Ảnh: BNG |
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Canada ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, đề cao luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Về tình hình Myanmar, Canada hoan nghênh kết quả Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021, ủng hộ vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt đoàn Việt Nam, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao hoan nghênh sự đóng góp tích cực của Canada cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, đề nghị Canada tiếp tục ủng hộ các nỗ lực phòng chống dịch bệnh của ASEAN và hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể, hỗ trợ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, tiếp cận vaccine phòng COVID-19 công bằng, đồng đều, an toàn và hiệu quả, phối hợp duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, bảo đảm chuỗi cung ứng, hỗ trợ ASEAN phát triển hợp tác tiểu vùng đồng đều và bền vững và tiếp tục các chương trình học bổng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chia sẻ ý kiến các nước tại Hội nghị, đoàn Việt Nam nhấn mạnh trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, các nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa, ứng phó hiệu quả với các thách thức và khó khăn do dịch COVID-19 và những bất ổn chiến lược, thúc đẩy phục hồi bền vững, bảo đảm hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Đoàn Việt Nam khẳng định lại lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh ASEAN và Canada cần phối hợp bảo đảm môi trường khu vực hòa bình và ổn định, đề cao luật pháp quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế, không quân sự hoá, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
BNG