Dự kiến, 2 vấn đề chính trong chương trình nghị sự 3 ngày tới sẽ là vấn đề Triều Tiên và chính sách đối với châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
[Tranh chấp Biển Đông vẫn là nội dung chính Đối thoại Shangri-La 2017]
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của quốc tế, và khu vực đang chờ đợi chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với châu Á.
Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chính sách "tái cân bằng" sang châu Á.
Trong khi đó, ông Donald Trump khi tranh cử tổng thống Mỹ đã thể hiện quan điểm sẽ đảo ngược chính sách "xoay trục" của người tiền nhiệm.
Do Viện Nghiên cứu chiến lược (IISS) của Anh khởi xướng và tổ chức từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La là nơi gặp mặt của các Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo quân đội và nhiều đại diện khác của châu Á, châu Âu và Mỹ.
Đối thoại Shangri-La năm 2016 đã có sự tham gia của đại diện 30 nước. Tuy nhiên, Triều Tiên không cử đại diện tham gia đối thoại này./.