Sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) đã khẳng định được tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của quan hệ đối tác giữa hai châu lục.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp với những yếu tố và xu hướng mới ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 hơn 1 năm nay, ASEM không những cần phát huy hiệu quả hợp tác mà còn phải có một tầm nhìn mới để đóng góp tốt hơn vào các vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục cũng như toàn cầu.
Đây là nội dung thảo luận của Đối thoại chính sách cao cấp ASEM với chủ đề “25 năm thành lập ASEM - Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu trong một thế giới đang thay đổi,” do Việt Nam chủ trì, được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp ngày 22/6 vừa qua.
Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021) và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn trong năm 2021. Kết quả của Đối thoại sẽ là đóng góp quan trọng cho Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 13, dự kiến diễn ra ngày 25-26/11 tại Campuchia.
Với mục tiêu góp phần xây dựng một tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á-Âu, đối thoại đã tập trung thảo luận ba vấn đề: Những chuyển biến lớn trong tình hình thế giới và hai châu lục; các yếu tố và xu thế mới tác động đến quan hệ đối tác Á-Âu trong thập niên tới; Vai trò của hợp tác Á-Âu trong giải quyết các thách thức toàn cầu, củng cố hợp tác đa phương, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm; Tầm nhìn của hợp tác Á-Âu trong giai đoạn tới.
Sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của nhiều quan chức, trong đó có bộ trưởng Ngoại giao Lào, Campuchia, Anh, Nga, Hàn Quốc, Singapore; Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Joseph Borell cùng gần 200 đại biểu các cơ quan chính phủ, giới học giả, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, đại diện các tổ chức quốc tế cho thấy các thành viên đều coi trọng cơ chế hợp tác ASEM và thể hiện cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEM để thúc đẩy hợp tác trong thời kỳ mới.
Sự kiện cũng cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của quan hệ đối tác Á-Âu, qua đó thể hiện được vai trò quan trọng của Diễn đàn ASEM trong thế giới đang biến đổi nhanh và phức tạp.
[ASEM: Động lực quan trọng của tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu]
Sau một phần tư thế kỷ phát triển không ngừng, ASEM đã trở thành cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất thế giới. Với 53 thành viên, chiếm khoảng 60% dân số, 55% thương mại và hơn 60% GDP toàn cầu, bao gồm các đối tác, nền kinh tế lớn và rất năng động ở cả châu Á và châu Âu, ASEM đã trở thành động lực tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu.
Đánh giá về vai trò của ASEM hiện nay, Phó Chủ tịch EC Josep Borrell nhấn mạnh ASEM là cơ chế đối tác toàn diện nhất giữa châu Á và châu Âu.
ASEM đã trở thành một nền tảng hợp tác để các thành viên giải quyết một số thách thức lớn của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng: từ kết nối, thương mại và đầu tư, biến đổi khí hậu đến các thách thức an ninh rộng lớn hơn như chống khủng bố, di cư, hàng hải và an ninh mạng.
Ông khẳng định, trong nhiều lĩnh vực, những diễn biến quốc tế gần đây càng làm tăng giá trị của ASEM như một khối xây dựng then chốt cho một hệ thống quốc tế mở, hợp tác và dựa trên luật lệ.
Đối thoại chính sách cao cấp ASEM lần này diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang chống chọi với đại dịch COVID-19, các ý kiến tại Đối thoại đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có thay đổi phù hợp với những yếu tố mới, những chuyển biến bất ngờ.
Các đại biểu nhất trí cho rằng ASEM cần có một tầm nhìn hợp tác mới để đóng góp tốt hơn đối với các vấn đề hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục và toàn cầu, và đáp ứng nhu cầu phát triển của các thành viên.
ASEM cũng cần đổi mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động hợp tác để đạt hiệu quả cao hơn và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ông Josep Borrell nhấn mạnh tác động của những yếu tố như đại dịch COVID-19 đang định hình chương trình nghị sự chính trị của ASEM trong nhiều năm tới.
Đối mặt với đại dịch lớn nhất thế kỷ, hơn bao giờ hết thế giới cần những cơ chế hợp tác như ASEM phát huy hiệu quả bằng những biện pháp phối hợp hành động thực chất và hiệu quả.
Đối thoại cao cấp ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trong 2 ngày 12-13/10/2020 tại Hà Nội, với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng gần 130 đại biểu tại hơn 40 điểm cầu trực tuyến từ 41 nước thành viên ASEM và 7 tổ chức quốc tế và khu vực. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Diễn đàn đối thoại tại Hà Nội là bước triển khai đầu tiên của xu thế này, là cơ hội để các bên thảo luận những biện pháp cụ thể, thực chất để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, chia sẻ những kinh nghiệm, các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững cũng như chống dịch COVID-19.
Tại Đối thoại, các diễn giả nhấn mạnh, không ai an toàn nếu như tất cả không được tiêm đầy đủ vaccine. Tất cả các nền kinh tế Á-Âu phải chung tay cùng vượt qua đại dịch này. Bởi vậy, các thành viên ASEM cần phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình chia sẻ vaccine, tăng cường hợp tác trong việc phát triển sản xuất vaccine, cũng như chuyển giao công nghệ vaccine.
Không chỉ đối phó với thách thức trước mắt, các thành viên ASEM cũng xác định cần bắt tay ngay vào việc xử lý các thách thức trong trung và dài hạn, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, tận dụng sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi vào phát triển xanh sạch, bền vững, bao trùm và sáng tạo, vì chất lượng cuộc sống của người dân ở hai châu lục Á-Âu.
Qua những sáng kiến, ý tưởng được các diễn giả chia sẻ tại đối thoại lần này, có thể thấy được kỳ vọng to lớn về tương lai phát triển của Diễn đàn ASEM trong 5,10 năm tới và xa hơn.
Theo đó, ASEM sẽ tiếp tục phát huy vai trò mạnh mẽ trong một thế giới xanh-sạch, một thế giới phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm; đem lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc, không chỉ cho hai châu lục này mà cho toàn thế giới.
Với việc đưa ra sáng kiến và tổ chức thành công Đối thoại chính sách cao cấp ASEM lần này, Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo dựng và củng cố vị thế của ASEM.
Trong các phát biểu tại Đối thoại, các đại biểu đều đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức Đối thoại đã góp phần quan trọng duy trì đà hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động ASEM trong hơn một năm qua bị gián đoạn vì dịch bệnh.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, việc Việt Nam tổ chức được Diễn đàn trong thời điểm thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19 cho thấy sự coi trọng của Việt Nam cũng như của các nước đối với quan hệ đối tác Á-Âu; đặc biệt cho thấy một số nước, trong đó có Việt Nam, đã thành công nhất định trong quá trình chống dịch COVID-19 và bắt đầu quay trở lại cuộc sống bình thường.
Với những nội dung thảo luận thực tế, kịp thời, thành công của Đối thoại chính sách cao cấp ASEM được kỳ vọng sẽ đóng góp hiệu quả vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch mà thế giới đang chung tay thúc đẩy. Những thành tựu của 25 năm phát triển vừa qua cũng sẽ tạo đà vững chắc để hợp tác Á-Âu thăng hoa thời gian tới, vì lợi ích của các thành viên, hai châu lục và toàn thế giới./.
Phương Hà (TTXVN/Vietnam+)