Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 4 

Trong khuôn khổ Đối thoại, Tập đoàn AES của Hoa Kỳ đã đề xuất Ý định thư với Việt Nam, mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận với kinh phí 13 tỷ USD, công suất 4.000MW.
Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 4

Đối thoại thường niên An ninh Năng lượng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 4 đã diễn ra từ ngày 27-28/7 tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ.

Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại năm nay là Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, cùng các thành viên bao gồm: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương); Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ; Các Tập đoàn năng lượng gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Trưởng đoàn Hoa Kỳ là Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách Năng lượng của Bộ Ngoại giao Harry Kamian, cùng các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng; Cơ quan Tài chính Phát triển quốc tế, Hội đồng Hoa Kỳ về Kinh tế tiết kiệm năng lượng, Ủy ban Điều tiết năng lượng liên bang, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ.

Tại cuộc Đối thoại, đại diện hai bên đã trình bày các vấn đề then chốt trong hợp tác năng lượng song phương bao gồm sản xuất điện sạch, phát triển thị trường điện, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, truyền tải và lưu trữ năng lượng.

[Việt Nam-Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác sau 2 năm đại dịch COVID-19]

Tại Đối thoại, hai bên đã thảo luận chi tiết về các công nghệ năng lượng sạch như hydrogen, pin lưu trữ, năng lượng hạt nhân, cũng như các kế hoạch cấp thiết để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đối thoại ghi nhận và chào đón sự tham dự của các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam, Tổng Công ty Thăm dò khai thác và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam, Trung tâm Luật và Chính sách xã hội, Hội đồng Hoa Kỳ về Kinh tế hiệu quả năng lượng, Sáng kiến khu vực về khí nhà kính, Tập đoàn AES.

Trong khuôn khổ Đối thoại lần này, Tập đoàn AES đã đề xuất Ý định thư với đoàn Việt Nam, mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận với tổng kinh phí là 13 tỷ USD, công suất dự kiến 4.000 MW.

Tập đoàn AES mong muốn việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi này sẽ đóng góp vào kế hoạch giảm phát thải carbon của Việt Nam và đạt được mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26. Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã công bố hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Việt Nam (NPT) nhằm thúc đẩy việc triển khai các công nghệ lưới điện thông minh theo Lộ trình CNTT 2.0 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. NPT đã chọn LLC để triển khai hỗ trợ kỹ thuật này.

Ngoài ra, Cục Tài nguyên Năng lượng của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã gửi lời mời chính thức đoàn Việt Nam tham dự hai chuyến công tác thăm quan thực tế thị trường điện và năng lượng tái tạo dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022 tại Hoa Kỳ./.

Kiều Trang-Đoàn Hùng (TTXVN/Vietnam+)

 

167 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1058
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1058
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87123472